Chiều 20/4, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã họp báo giới thiệu di sản ca trù đang được đề nghị UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Thứ nhất là về các đào nương - những người trình diễn các làn điệu ca trù. Việc đào nương học tập, thực hành cho đến khi trưởng thành đánh dấu bằng lễ mở xiêm y là quá trình khắt khe và lâu dài. Hiện tại Việt Nam chỉ còn 21 nghệ nhân hát ca trù đều đã cao tuổi và chỉ 12 trong số đó có khả năng truyền dạy ca trù cho các thế hệ kế cận. Nếu các nghệ nhân không thể truyền dạy lại cho hậu thế thì ca trù hoàn toàn có thể biến mất.
Thứ hai là ca trù đang quá xa đối với đời sống cộng đồng dân cư. Công chúng không thể hiểu ca trù và có rất ít, thậm chí không có cơ hội tiếp cận ca trù dẫn tới tình trạng ca trù không còn chỗ đứng trong đời sống xã hội.
Cùng với hai nguy cơ đó, không gian dành cho biểu diễn ca trù là ở đình làng, cung vua phủ chúa và tư gia đều không còn tồn tại. Hiện nay ca trù chỉ còn duy nhất không gian biểu diễn là ở ca quán.
Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gửi tới UNESCO ngày 13/3. Sau đó, UNESCO đã yêu cầu phía Việt Nam chỉnh sửa và bổ sung các tư liệu cần thiết.
Ngày 15/4, bộ hồ sơ chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của UNESCO đã hoàn thành và được gửi đi theo đúng thời gian yêu cầu. So với bộ hồ sơ cũ, hồ sơ mới có bổ sung thêm băng video; đĩa CD; album ảnh; 3 cuốn sách về ca trù là "Đặc khảo về ca trù", "Kỷ yếu hội thảo ca trù quốc tế" và "Nguồn tư liệu Hán Nôm với việc nghiên cứu ca trù"; báo cáo kiểm kê di sản và bản đồ điện tử di sản.
Riêng bản đồ điện tử di sản trong hồ sơ bổ sung gồm bốn nội dung cần thiết là phân vùng ca trù, các di tích lịch sử liên quan, 78 văn bia có nội dung liên quan đến ca trù và hoạt động của các câu lạc bộ ca trù ở Việt Nam hiện nay.
Việc kiểm kê di sản ca trù cũng đã hoàn thành theo các tiêu chí đã được soạn sẵn. Tất cả các nội dung của bộ hồ sơ gửi đi đều đáp ứng đúng quy định chuẩn của UNESCO và được trình bày bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh.
Theo thông lệ của UNESCO quốc tế đóng tại Paris, bản góp ý sẽ chỉnh sửa sẽ được chuyển lại cho các quốc gia thành viên có hồ sơ đăng ký vào khoảng tháng 6/2009. Đến tháng 9/2009, UNESCO sẽ đánh giá hồ sơ đề cử cho đợt đăng ký đầu tiên này vào "Danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp".