11 tỉ đồng là chi phí không nhỏ đầu tư cho một bộ phim của Việt Nam nhưng "Đừng đốt", bộ phim về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tỏ ra đáng đồng tiền bát gạo.
Là phim về chiến tranh, về cuộc đời của một liệt sĩ -bác sĩ và số phận kỳ lạ của một cuốn nhật ký, nhưng "Đừng đốt" không chỉ có bom đạn, máu và nước mắt mà còn có cả những khoảng lặng, những cảnh quay đẹp như trong chuyện cổ tích.
Buổi ra mắt bộ phim về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Hà Nội ngày 8/4 thật đặc biệt. Hiếm có bộ phim nào lại gây sự xúc động mạnh mẽ cho nhiều người xem như thế. Sự đồng cảm dành cho nhân vật Đặng Thùy Trâm khiến người xem không kìm nổi những giọt nước mắt lăn dài. Có nhiều trường đoạn xúc động, đó là lúc Đặng Thùy Trâm trở về căn nhà bé nhỏ của mình ở Hà Nội trong giấc mơ của mẹ, là khi Đặng Thùy Trâm ao ước có người thân ở bên cạnh trong sự cô độc giữa mênh mang núi rừng...
"Đừng đốt" không chỉ vạch ra sự bi thảm của chiến tranh, với những nỗi đau thể xác hiển hiện trong cơ thể đầy máu của những người lính ở cả hai bên chiến tuyến mà bộ phim còn có những cảnh quay đầy chất thơ. Xen lẫn bom đạn, chết chóc, hình ảnh về cuộc sống gia đình hạnh phúc và yên bình của Đặng Thùy Trâm cứ trở đi trở lại trong phim.
Dù tên phim không thật hấp dẫn, nếu không muốn nói là khó gây được sự chú ý, tò mò cho khán giả nhưng nó lại rất có ý nghĩa nếu đặt vào bối cảnh của bộ phim. Đó là lời Huân nhắn nhủ khi đưa cuốn nhật ký anh nhặt được ở trạm xá cho Fred Whitehurst. Cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm không những không bị đốt đi mà còn ám ảnh Fred hơn 30 năm và gần như đốt cháy cả quãng đời còn lại của người cựu binh Mỹ này. Sự ám ảnh về chiến tranh Việt Nam của Fred Whitehurst cũng là sự ám ảnh của cả một thế hệ người Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam.
Từ cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và rất nhiều tư liệu thu thập được, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tự viết kịch bản và với kinh nghiệm của một đạo diễn điện ảnh bậc thầy, ông đã làm nên một bộ phim hấp dẫn hơn cả trông đợi. Bối cảnh của phim kéo dài từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, "Đừng đốt" là câu chuyện nối dài về số phận của cuốn nhật ký nổi tiếng sau hàng chục năm lưu lạc trên đất Mỹ để rồi cuối cùng tìm về với gia đình của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Góp phần vào thành công của bộ phim còn phải kể đến phần nhạc phim do hai nhạc sĩ người nước ngoài Benedicfi Zoltan và Benedicfi Istvan thực hiện, đã thể hiện rất tốt diễn biến tâm lý của nhân vật cũng như không khí các cảnh quay. "Đừng đốt" còn chinh phục người xem bằng những khuôn hình đẹp ở Việt Nam và Mỹ do các tay máy cả trong và ngoài nước thực hiện (Vũ Đức Tùng, Lý Thái Dũng và Richard Connors). Đáng tiếc là diễn xuất của diễn viên Minh Hương (vai Đặng Thùy Trâm) còn khá mờ nhạt trong khi Mathews Korchs (vai Fred lúc trẻ) lại hơi cứng và đôi khi quá cường điệu.
Bên cạnh các diễn viên Việt Nam, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã mời 7 diễn viên chuyên nghiệp của Mỹ tham gia bộ phim này thông qua tuyển chọn từ Hiệp hội diễn viên tại New York và tất cả đều đã đọc rất kỹ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản bằng tiếng Anh trước khi tham gia bộ phim. Do phim mới được hoàn tất cách đây 1 tuần và là bản phim đầu nên một số hình ảnh chưa chuẩn, phần phụ đề tiếng Việt cho các đoạn thoại bằng tiếng Anh chưa hoàn chỉnh và sẽ phải chỉnh sửa thêm nhưng "Đừng đốt" là một bộ phim đáng xem.
"Đừng đốt" dự kiến sẽ được chọn chiếu khai mạc trong tuần phim kỷ niệm ngày 30/4 năm nay và đang có kế hoạch phát hành ra quốc tế.