Thuở nhỏ, ông Chau Men Sa Rây thích Dì-kê lắm, ở đâu có tổ chức là tìm cách đi đến cho bằng được. Nhưng duyên nợ để ông gắn cuộc đời mình với nghệ thuật Dì-kê chính là cuộc hôn nhân với bà Neang Ók Sim, bà chính là người truyền cảm hứng cho ông chẳng phải vì sắc đẹp mà là những động tác múa làm mê hoặc lòng người, trong đó, ông là khán giả ái mộ "trung thành" nhất.
Chúng tôi tìm đến nhà ông trong những ngày cận kề Tết Chol-Chnam- Thmây của đồng bào Khmer. Tưởng ông thuộc vào hàng lão làng, nào ngờ ông mới ở ngưỡng 50, với nước da đồng hun, tóc đen mun, lớm chớm vài sợi bạc. Ông tiếp chúng tôi bằng cái giọng lơ lớ của người nói tiếng Việt không rành.
Ông cho biết: Tuổi trẻ làm nhiều nghề lắm, từ lái xe đò, lái ghe bầu, đến cắt lúa, suốt lúa ông đều làm tất. Năm tháng đã lấy đi sự nhanh nhạy của ông, nhưng từ khi bén duyên cùng với Dì-kê, ông trở nên nhanh nhẹn hẳn.
Ông Chau Chhôi-Trưởng ấp cho biết: "Ông Sa Rây là vậy đó, gia đình chẳng có gì khá giả, nhưng với Dì-kê thì ông giàu lòng nhiệt tình hơn tất cả mọi người dân ở đây".
Thuở nhỏ, ông Rây thích Dì-kê lắm, ở đâu có tổ chức là tìm cách đi đến cho bằng được. Nhưng duyên nợ để ông gắn cuộc đời mình với nghệ thuật Dì-kê chính là cuộc hôn nhân với bà Neang Ók Sim, bà chính là người truyền cảm hứng cho ông chẳng phải vì sắc đẹp mà là những động tác múa làm mê hoặc lòng người, trong đó, ông là khán giả ái mộ "trung thành" nhất.
Có thể nói ở vùng Bảy Núi lúc bấy giờ có bao nhiêu thầy Dì-kê là ông Rây có bấy nhiêu sư phụ. Có thầy ông trực tiếp học, nhưng có thầy ông chỉ học qua các buổi diễn. Cái gì hay là ông "ghi lòng tạc dạ". Nhiều điểm diễn xa nhà, ông bỏ cả cơm chiều, một mình băng đồng để không bị trễ màn diễn nào. Cực nhất là lúc ra về, ông phải dò từng bước một, nhưng lắm khi về tới nhà thì trời đã sáng, ông phải khăn gói ra thị trấn Tri Tôn chạy xe đò mướn.
Anh Chau Chanh - cán bộ Trung tâm Văn hóa Tri Tôn nhận xét: "Giỏi nghề, nhận được nhiều giải thưởng cấp tỉnh và khu vực, ông Rây còn là người tích cực gầy dựng phong trào vào loại bậc nhất ở Tri Tôn hiện nay. Chính vì vậy mà mỗi lần có hội thi hay hội diễn gì trong tỉnh cũng như khu vực, gia đình ông bao giờ cũng đại diện cho đoàn Tri Tôn hoặc tỉnh An Giang đem "chuông đi đánh xứ người". Từ đó nhiều người gán luôn cho ông cái tên - ông Rây "Dì-kê".
Ngày nay, cứ mỗi tháng 4 lần, nhà ông là địa chỉ để những "diễn viên" từ không chuyên cho đến những diễn viên thực thụ đến tập dượt, trao đổi nghề. Chuyện cơm nước, ông đều lo tất. Nhưng khi đi diễn, có tiền, ông không thu của ai một đồng. Ngay trong chuyện hệ trọng nhất cuộc đời mình là cưới vợ và hướng nghiệp cho con, ông cũng lấy Dì-kê làm tiêu chuẩn đầu tiên.
Ông tâm sự: "Bây giờ đã lớn tuổi rồi, cố được ngày nào hay ngày nấy, chủ yếu là làm sao lời ca, điệu múa của mình được công chúng hưởng ứng là vui rồi. Song vui nhất là từ nay, tôi đã có đứa con "gái rượu" Chau Bunh Khươn nối nghiệp cha mẹ nó. Hiện tại, cháu nó đã trưởng thành và trở thành biên đạo múa chính của đoàn Dì-kê gia đình tôi".
Chính vì suy nghĩ như thế mà hiện nay, mỗi đêm diễn tiền thù lao chỉ được khoảng 60.000 đồng/người, nhưng ông không nề hà, dù diễn gần hay xa. "Miễn sao bà con hưởng ứng nhiệt tình là chúng tôi vui rồi" - ông Rây tâm sự.
Một tin vui khác mà ông Chau Sa Im - Chủ tịch UBND xã cho biết: Tới đây, UBND xã sẽ hỗ trợ ông mỗi tháng 300.000 đồng tiền son phấn để bù lại phần nào công sức của anh em trong đoàn. Riêng những đêm diễn phục vụ bà con trong các dịp lễ, Tết thì được hỗ trợ 1,6 triệu đồng/suất diễn. Số tiền tuy không nhiều so với đoàn diễn gồm cả thảy 32 người. Song đó chính là động lực tinh thần, giúp cho đoàn nghệ thuật gia đình ông Rây duy trì và phát triển.