Sống mãi một trái tim ngoan cường

15:42, 23/04/2009

Đã 5 năm kể từ khi cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm ra đời, nhưng sức lan toả của cuốn sách vẫn rất mạnh mẽ. Không chỉ liên tục tái bản với số lượng lớn, trong tháng 4 lịch sử này, cuốn Nhật kỳ còn được đạo diễn Đặng Nhật Minh xây dựng thành tác phẩm điện ảnh có tên "Đừng đốt" với sự tham gia của 7 diễn viên Mỹ chuyên nghiệp được tuyển chọn qua Hiệp hội diễn viên của Niu oóc….

Tôi mang thông tin bộ phim về Đặng Thuỳ Trâm nói với Đại tá Nguyễn Bình Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh. Không ngờ tôi đã "khía" vào niềm quan tâm lâu nay của ông. Từ khi cuốn sách mới ra đời, ông đã mua để tặng người thân và bạn bè . Ông bảo, với ông, đó không phải là cuốn sách với con chữ mà là cuộc đời thật, con người thật của một nữ đồng đội đáng kính.

 

- Tôi không thể ngủ được khi để Nhật ký ở đầu giường. Có đêm đã 2 giờ sáng, tôi trở dậy mang cuốn sách để lên giá, đậy một cuốn khác lên, nhưng hình ảnh chị  vẫn hiện về. Ông Nguyên chỉ cho tôi các điểm ông đã dánh dấu trên tấm bản đồ Việt Nam: Tôi và chị Trâm nhiều thời điểm đi cùng một con đường nhưng lại luôn so le nhau. Năm 1966 chị vào Nam thì tôi cũng bắt đầu nhập ngũ. Có chặng đường hành quân chị ở chỗ này, tôi ở chỗ kia. Năm 1970 khi chị là y tá trưởng ở Quãng Ngãi thì tôi là Chính trị viên đại đội đóng quân ở Gia Lai. Năm 1970, chị Trâm hy sinh, đó cũng là giai đoạn chiến tranh ác lệt nhất, đơn vị tôi có lần đánh đến 3 trận một ngày… Đọc nhật ký của chị, tôi cứ mường tượng ra người con gái mảnh mai giữa chiến trường ác liệt đã sống và yêu ra sao. Nhiều người đọc Nhật ký đã phê phán anh M. đại đội trưởng khước từ tình yêu của chị, nhưng tôi hiểu M. không có lỗi, vì ngày đó, trong chiến tranh ác liệt đó, những người dính vào yêu đương bị nhiều người phê phán. M. là chỉ huy, ở cương vị đó mà yêu chắc không thể rèn được chiến sĩ, vì thế anh đã cư xử như vậy chứ không phải là con người bội bạc.

 

Là người quan tâm sâu sắc đến ám ảnh, canh cánh về cuốn Nhật ký, cứ có dịp thuận lợi là ông Nguyên lại tìm hiểu những điều liên quan đến con người, địa điểm mà chị Trâm nói đến. Ông kể: Năm 2008, Hội tổ chức vào thăm Bệnh viện Đặng Thuỳ Trâm tại Đức Phổ, tôi đã hỏi bạn bè ở đó về anh M. được biết anh M tên thật là Khương Thế Hưng, còn có bí danh là Khương Văn Mộc…

 

Tâm sự của Đại tá Nguyễn Bình Nguyên khiến tôi hiểu thêm vì sao người lính bên kia chiến tuyến FredricWhitehurst lại mang theo cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm về Mỹ và canh cánh suốt 35 năm trời để đưa những dòng chữ của một người cộng sản về đất nước của chị, về với gia đình chị. Trái tim thiếu nữ trong trắng, tha thiết yêu cuộc sống nhìn thấy cái đẹp, nhìn thấy hy vọng giữa chiến trường mịt mù bom đạn đã lay động lòng nguời mãnh liệt đến thế.

 

Trước niềm vui ngày đại thắng 30/4, tôi lại bồi hồi nghĩ đến chị Trâm, đến những người đã mất. Trái tim kiên cường của họ không bao giờ chết.