Lần đầu tiên, Việt Nam có một chương trình xiếc được các nhà tổ chức biểu diễn nước ngoài đặt hàng: Đó là Làng tôi, do các diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thể hiện. Làng tôi sẽ lên đường sang Pháp từ tháng 6/2009, bắt đầu tour diễn kéo dài 3 năm tại châu Âu và các nước khác trên thế giới.
Vào mỗi tối thứ bảy, chương trình lại được chạy thử để rồi lại tiếp tục được bổ sung, chăm chút, từ động tác xiếc, nét mặt biểu cảm của diễn viên cho tới trang phục, ánh sáng... đến cả những cây tre đạo cụ cũng phải được xử lý chống mối mọt để có thể cùng Làng tôi lưu diễn nhiều năm.
Khúc biến tấu của tre
Có thể coi Làng tôi là một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp, trong đó xiếc giữ vai trò chủ đạo. Tất cả những tiết mục xiếc, động tác xiếc được dàn dựng để tập trung làm nổi bật bức tranh làng quê Việt Nam. Chính vì thế, cây tre được chọn làm “ngôn ngữ” để thể hiện tác phẩm: diễn viên múa bằng những ống tre, đi lại, nhào lộn trên những thân tre, tung hứng bằng rổ rá làm từ cây tre, sân khấu được thiết kế với những tấm mành tre làm nền, thậm chí, nhạc cụ chính sử dụng trong tác phẩm – đàn môi – cũng được làm từ tre...
Trong khung cảnh thuần Việt ấy, bức tranh sinh hoạt của làng quê Việt được tái hiện sinh động bằng những trò xiếc mô phỏng các trò chơi dân gian như đá cầu, chơi chuyền, tát nước, đánh đu...
Điều thú vị, Làng tôi là tác phẩm được dàn dựng bởi những người Việt sống xa xứ: đạo diễn Tuấn Anh (Đức), nhạc sĩ Nhất Lý (Pháp), giáo viên xiếc Nguyễn Lân (Pháp). Ý tưởng ra đời Làng tôi được bắt đầu từ năm 2004, khi họ cùng bắt tay soạn thảo một dự án trao đổi văn hóa Pháp - Việt. Tháng 9-2005, chương trình đã ra mắt khán giả Việt Nam và gây được sự chú ý của những người yêu nghệ thuật xiếc.
Đặc biệt, chương trình đã lọt vào “mắt xanh” của Hội đoàn Scène de la Terre (Pháp) và được tổ chức giới thiệu nghệ thuật lớn hàng đầu thế giới này đặt hàng để Làng tôi chính thức “xuất khẩu”.
Giá trị sáng tạo ngẫu hứng
Điều gì đã khiến Làng tôi thuyết phục được Hội đoàn Scène de la Terre bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để “mua trọn gói” một chương trình nghệ thuật Việt trong suốt 3 năm? Chắc chắn rằng nếu không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về nghệ thuật cũng như không bảo đảm chắc chắn doanh thu, những nhà tổ chức biểu diễn Pháp chẳng đầu tư cho Làng tôi.
Để khai thác tối đa tính sáng tạo, toàn bộ ê- kíp làm việc không có kịch bản ban đầu, mà chỉ dựa vào ý tưởng - một điều rất mới mẻ trong việc dàn dựng các chương trình nghệ thuật ở Việt Nam. “Diễn viên Việt Nam thường làm theo yêu cầu của đạo diễn đưa ra, nhưng ở đây, diễn viên được thỏa sức sáng tạo.
Tôi chỉ là người đưa ra ý tưởng, còn các diễn viên - với tư duy, trí tưởng tượng, cảm xúc của mình - sẽ tự đưa ra quan điểm, cách làm của mình. Từ đó, tôi mới “nhặt” các chất liệu để dàn dựng chương trình” - đạo diễn Tuấn Anh nói. Ngay cả các nhạc công cũng không có một bản nhạc cụ thể nào mà được chơi hoàn toàn ngẫu hứng theo cảm xúc của mình: Nhạc công xem diễn viên diễn mà chơi theo và diễn viên cũng theo tiếng nhạc để diễn. Đạo diễn Tuấn Anh cũng cho biết thêm thời gian đầu, các diễn viên rất ngỡ ngàng với cách làm mới này, nhưng sau đó họ rất thích thú và bắt nhịp rất nhanh, bởi họ tìm thấy mình và tư duy sáng tạo của mình trong tác phẩm.
“Các diễn viên làm việc rất nghiêm túc, say mê” - đạo diễn Tuấn Anh chia sẻ. Theo đạo diễn, việc các diễn viên tham gia Làng tôi làm việc hết mình chính là họ đang tự đầu tư cho mình, bởi nếu chương trình tốt thì hợp đồng biểu diễn sẽ không chỉ dừng lại ở con số 3 năm, và điều này sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống của mỗi người. Không chỉ vậy, theo kỳ vọng của đạo diễn Tuấn Anh, 14 diễn viên trong ê-kíp Làng tôi sẽ là những gương mặt đầy bản lĩnh sáng tạo, góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế của xiếc Việt với bạn bè quốc tế.
Vé xem chương trình năm 2009 đã bán hết
Theo kế hoạch của Hội đoàn Scène de la Terre, Làng tôi sẽ lưu diễn quốc tế trong vòng 3 năm, bắt đầu từ tháng 6-2009. Điểm đến đầu tiên của chương trình sau khi đặt chân đến Pháp là 11 buổi diễn tại Bảo tàng Quai Branly dưới chân tháp Eiffel - địa điểm chỉ dành cho những chương trình nghệ thuật đặc biệt. Để chuẩn bị đón chào sự kiện này diễn ra, đích thân ông Jean Luc Larguier, Giám đốc Hội đoàn Sân khấu Địa cầu Pháp, đã sang Việt Nam cùng 12 nhà báo Pháp để thực hiện loạt bài viết quảng bá cho chương trình. Đến nay, mặc dù vẫn đang trong quá trình tập luyện nhưng vé xem chương trình năm 2009 đã được các nhà tổ chức biểu diễn Pháp bán hết. Sau khi biểu diễn ở Pháp, Làng tôi sẽ lên đường đến Bỉ, Anh, Đức, Mỹ...