UBND tỉnh Thái Nguyên vừa cho ra mắt cuốn "Địa chí Thái Nguyên" dày 1150 trang, khổ 19x 27cm khổ giấy A4. Đây là cuốn sách đồ sộ được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản trong thời gian 8 năm.
Ý thức được tầm quan trọng cũng như giá trị to lớn của địa chí, từ năm 2001, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thành lập một Hội đồng Chỉ đạo thực hiện đề tài khoa học "Sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn Địa chí Thái Nguyên". Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh (lúc đó) tham gia Ban Chỉ đạo; các nhà khoa học xã hội và nhân văn ở các viện nghiên cứu TW cũng như các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa của tỉnh Thái Nguyên tham gia Ban Biên soạn đã thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của mình với công việc quan trọng này.
Đến năm 2007, đề tài khoa học"Sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn Địa chí Thái Nguyên" đã được Hội đồng khoa học đánh giá, nghiệm thu, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia biên tập nghiêm túc, tỷ mỉ, cẩn trọng và xuất bản cuốn sách đồ sộ này.
"Địa chí Thái Nguyên" có 7 phần: Phần 1: Địa lý, gồm 116 trang, 5 chương, do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn và nhà giáo nhân dân Trịnh Trúc Lâm đồng chủ biên, nêu các yếu tố hình thành, lịch sử phát triển, đặc trưng cơ bản về địa chất, thổ nhưỡng, tài nguyên khoáng sản, khí hậu, thời tiết, hệ thống sông hồ, lịch sử dân cư và nguồn lực con người của Thái Nguyên. Phần 2: Lịch sử, gồm 196 trang, 8 chương, do Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường chủ biên đã tái hiện lịch sử Thái Nguyên từ thời hai Bà Trưng tới các thời kỳ nhà nước phong kiến độc lập, đặc biệt từ khi Thái Nguyên trở thành căn cứ địa cách mạng, thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp. Phần 3: Kinh tế, gồm 141 trang, 3 chương, do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Huy Thành và Tiến sĩ Đặng Phong đồng chủ biên đã khái quát tiến trình phát triển kinh tế Thái Nguyên từ thời cổ đại đến thời kỳ đổi mới. Phần này cũng đề cập đến các ngành kinh tế của tỉnh, mối quan hệ kinh tế với vùng và với cả nước. Đặc biệt là kinh tế của tỉnh trong quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Phần 4: Dân cư, dân tộc, gồm 255 trang, 9 chương, do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khổng Diễn chủ biên. Phần này nói về lịch sử các tộc người, phân bố dân cư, hoạt động kinh tế, phong tục tập quán, văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất, tổ chức xã hội của 10 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa, Mông, Mường, Thái. Phần 5: Văn hóa- xã hội, gồm 151 trang, 10 chương, do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng chủ biên giới thiệu tổng quan văn hóa- xã hội của vùng văn hóa lâu đời giàu truyền thống là Thái Nguyên; giới thiệu về ngôn ngữ và chữ viết, văn học dân gian và phạm vi vùng văn hóa Thái Nguyên; về giáo dục đào tạo từ thời phong kiến đến nay; lịch sử phát triển y tế, thể dục, thể thao… Phần 6: Các huyện, thành, thị, gồm 137 trang, khái quát các mặt: Địa lý, hành chính, dân cư - dân tộc, truyền thống lịch sử, kinh tế, văn hóa - xã hội của 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Phần 7: Phụ lục, gồm 145 trang giới thiệu các thắng cảnh, di tích tiêu biểu, một số địa danh lịch sử - văn hóa, các di sản Hán nôm như thần tích, thần phả, trong đó trích đăng bản dịch gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú của Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ và Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học Việt Nam. Trong phần phụ lục cũng giới thiệu danh sách các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở 9 huyện, thành, thị; các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; các đồng chí lãnh đạo đảng bộ, chính quyền tỉnh từ năm 1945 đến nay.
"Địa chí Thái Nguyên" là cuốn sách quý, là nguồn tư liệu phong phú, chính xác về lịch sử phát triển tự nhiên, xã hội, nguồn lực tự nhiên và con người Thái Nguyên phục vụ bạn đọc nói chung, nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo nói riêng trong việc hoạch định chủ trương chính sách, xây dựng Thái Nguyên phát triển bền vững.