Ký ức tuổi thơ tôi

15:43, 04/05/2009

Tuổi thơ tôi là những ngày vắt vẻo trên lưng trâu, bì bõm dưới mương bắt hến trong những ngày hè. Nhất là trong những ngày tháng 6, nước cạn, những chú cá cờ, chị tép riu, anh rô ron... rủ nhau dồn lại ở một vũng nước nơi góc ruộng cày hoặc chân ruộng lúa mới bén rễ. Còn họ hàng nhà trạch đồng, những bác cua kềnh, chú cua con cũng nhanh chân tìm cho mình một cái hang hoặc bò lên những vạt cỏ trên bờ ruộng để trú nắng.

Đồ nghề bắt cá, bắt cua của bọn trẻ con chúng tôi vẻn vẹn một cái giỏ, một cái thau nhôm méo mó và một cái rổ tre đã qua nhiều lần cạp lại miệng. Chỉ cần một vài vũng nước đọng, dăm, sáu cái bờ ruộng là trong thau, trong giỏ của chúng tôi đầy cá, kín cua.

 

Trong số bạn cua, cá chỉ có thằng Hùng, cái Hằng là nhà còn chưa phải ăn đến gạo mới nên tiền bán cua, bán cá của bọn chúng được bố mẹ cho để mua kẹo vừng và kem. Còn tôi và thằng “Hảo sứt” đi bắt cua, bắt hến, hớt tép là để bán lấy tiền phụ giúp mẹ đong gạo ăn hàng ngày và mua sách, bút, đóng tiền học. Sở dĩ thằng Hảo bạn tôi có biệt danh là “Hảo sứt” là bởi ngày mang thai mẹ nó bị ốm gần một tháng nhưng vì nhà nghèo nên vẫn phải đi làm, đi bắt cua, bắt cá đổi gạo ăn. Ngày sinh nó ra, mẹ nó buồn và khóc rất nhiều vì nó bị sứt môi... Và cũng từ đó, thằng Hảo có biệt danh là “Hảo sứt”.

 

Nhà nghèo nên đối với tôi, mỗi lần có khách là tôi sướng lắm vì thể nào hôm đó mẹ cũng mua mấy lạng thịt lợn và một vài cái đậu. Tôi thì hớn hở còn trên gương mặt mẹ thì lại gợn lên một nỗi lo thường nhật “lấy tiền đâu mà mua thức ăn”. Nhưng rồi mẹ cũng lo được một bữa cơm tươm tất đãi khách. Sau này tôi mới biết, mỗi lần có khách là mẹ lại ra đầu xóm mua thịt chịu của ông Chăm "béo" đến vụ gặt mới trả bằng thóc. Đó là những lần có khách, còn ngày thường bữa cơm của gia đình tôi điệp khúc là một vài quả cà, một nồi canh hến hay nồi canh cua nấu với rau củ (rau lang) hoặc rau muống cùng với một bát tương. Hôm nào bắt được nhiều cá, nhiều tôm mẹ tôi bớt lại một ít không bán thì trên mâm cơm có thêm bát cá, bát tôm kho tương. Cơm độn khoai, độn sắn! ấy vậy mà bữa nào tôi cũng ăn một mạch ba bát. Nhiều hôm hết gạo, cả nhà tôi lại ăn khoai, ăn sắn thay cơm, và cách lấp đầy cái dạ dầy của tôi là ăn nhiều rau và húp thật nhiều canh hến, canh cua. Mặc dù cơm không đủ ăn nhưng hai chị em tôi cứ lớn "như thổi", không ốm đau nặng bao giờ, chỉ khụt khịt mũi một hai ngày là tự khỏi. Mẹ tôi bảo: “đấy là trời phú cho nhà mình, vì nhà mình nghèo”.

 

Tôi nhớ nhất mùa cà bát - bắt đầu từ tháng Ba âm lịch, bao giờ trong bếp nhà tôi cũng có một trường cà nén. Những quả cà bát được mẹ tôi nậy hết núm rồi khía thành nhiều miếng tuỳ theo quả cà to hay nhỏ, sau đó ngâm vào chậu nước cho ra bớt nhựa. Khoảng 1 tiếng, mẹ vớt cà ra rổ cho ráo nước, khéo léo nhúm từng nắm muối trắng đặt lên trên núm đã khía của quả cà rồi xếp lần lượt vào trường. Sau khi xếp xong cà, mẹ tôi lấy cái phên tre đan hình mắt cáo vừa với miệng trường đặt lên trên những lượt cà và chèn một hòn đá tròn, nhẵn lên. Mẹ bảo: làm thế để khi mình đổ nước vào trường, quả cà không bị nổi lên mặt nước. Như vậy cà sẽ trắng, quả cà được ép hết chất chát, khi ăn cà sẽ được ròn, để lâu sẽ không bị ủng và hỏng. Càng gần đến cuối vụ cà, mẹ tôi thường muối cà vào cái trường to hơn, lượng muối cho vào cà cũng nhiều hơn. Mẹ bảo: "làm như vậy sẽ có cà ăn quanh năm và cà sẽ không bị hỏng". Tôi nhớ rất rõ món cà nén xào với tóp mỡ quện mùi lá lốt của mẹ nấu. Chả là khi mua vài lạng mỡ vặt về bắc lấy mỡ, mẹ thường lấy mấy quả cà bát đã chua ở trong trường ra thái từng miếng mỏng, rửa sạch rồi vắt kiệt hết nước. Sau đó đun mỡ nóng già, cho cà vào xào cháy cạnh cùng với bát tóp mỡ. Nêm thêm muối trắng, mì chính và một nắm lá lốt thái nhỏ. Mỗi khi có món ăn này, mẹ thường luộc thêm một đĩa rau muống và dằm vào nồi canh một vài quả sấu xanh để ăn cùng. Cứ vậy, tuổi thơ của tôi lớn lên cùng với quả cà, con cua, con tép, củ sắn, củ khoai. Và cho đến một ngày, tôi nhận ra mình đã qua cái tuổi đầu trần, chân đất từ bao giờ!!!.

 

Giờ cuộc sống riêng của tôi không còn phải ăn khoai, ăn sắn thay cơm, không phải chân lấm, tay bùn giữa những buổi trưa hè để bắt hến, kiếm cá, kiếm cua đổi lấy gạo ăn. Nhưng… sao tôi thấy nhớ quá. Mỗi ngày nghỉ cuối tuần, tôi lại trở về bên mẹ - nơi nuôi dưỡng tâm hồn của một đứa trẻ nghèo như tôi. Trở về nơi "thấm đẫm" những kỷ niệm của tuổi thơ để được ăn những món “mặn mòi” của mẹ. Được thanh lọc những lo toan, bộn bề của cuộc sống và thả hồn mình theo làn gió mát pha tiếng rì rào của đồng lúa đang thì con gái. Và mường tượng: trong số trẻ đang vắt vẻo trên lưng trâu trở về nhà mỗi buổi chiều tà dường như có cả mình.