Ngày 11/5, sau khi tiến hành các thủ tục hòa giải không thành và nhiều lần hoãn xử vì thiếu các bên liên quan, Tòa dân sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ kiện tranh chấp đòi bản quyền kịch bản “Biệt động Sài Gòn” giữa hai tác giả kịch bản là nhà báo quân đội Nguyễn Thanh và ông Lê Phương.
Trong đơn kiện, ông Nguyễn Thanh cho rằng Hãng phim truyện Việt Nam và ông Lê Phương đã vi phạm quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm của ông mà không trả nhuận bút. Cùng với đó là một số đơn vị đã từng in, tái bản, đăng kịch bản của ông mà không thông báo cho tác giả biết, không đề tên tác giả, và sửa chữa tên kịch bản “Biệt động Sài Gòn” thành “Những thiên thần ra trận”.
Theo ông Nguyễn Thanh, chính ông đã viết kịch bản “Thành phố gọi những tình yêu” hay “Biệt động Sài Gòn” vào cuối năm 1981 dựa trên những tác phẩm ký và những bài báo về biệt động mà ông từng viết cùng vốn tài liệu mà ông có được từ những chuyến đi thực tế.
Ông Thanh đã vạch ra những đoạn văn gần như sao chép lại từng câu chữ theo kịch bản của ông. Thậm chí, ông Thanh còn cho rằng những đoạn đã bị sửa chữa, bổ sung thêm vào trong kịch bản còn phá hỏng cả kịch bản của ông.
Thế nhưng, tên của Nguyễn Thanh chỉ được đặt sau chữ “với sự cộng tác”, đồng thời ông Lê Phương không hề xin phép ông trước khi đăng tải, in ấn tại Nhà xuất bản Thanh Hóa, Hội Văn học nghệ thuật Long An cũng như không trả nhuận bút cho ông khi đăng dài kỳ trên báo Sài Gòn giải phóng.
Bị đơn vụ kiện, ông Lê Phương cho biết kịch bản đầu tiên của ông Thanh không được Hội đồng duyệt chấp nhận nên ông Phương phải viết lại một kịch bản mới có tựa đề: “Những thiên thần ra trận”. Và từ kịch bản này đã được duyệt để sản xuất phim “Biệt động Sài Gòn”. Vì thế, ông Lê Phương mới là người viết chính nên đề nghị số tiền nhuận bút sẽ chia theo tỷ lệ: 1/3 cho Nguyễn Thanh và 2/3 cho Lê Phương.
Và đồng tác giả Lê Phương cũng cho rằng việc các nhà xuất bản in sách ông không hề biết, còn Báo Sài Gòn giải phóng có trả nhuận bút cho ông và ông có báo cho ông Nguyễn Thanh đến để nhận 1/3 số tiền này nhưng ông Thanh không đến.
Trên thực tế, do vụ việc xảy ra quá lâu, nên tất cả các bên có liên quan như: báo Sài Gòn giải phóng, Hãng phim truyện Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Hội Văn học Nghệ thuật Long An... đều không tìm thấy các chứng từ, hợp đồng có liên quan đến việc xác định ai là người gửi bài đến, ai nhận tiền nhuận bút.
Tại phiên tòa, luật sư của bị đơn Lê Phương cho rằng yêu cầu trả nhuận bút của ông Thanh không có cơ sở vì không có bất kỳ chứng từ nào chứng minh. Hơn nữa, Điều 158 - Bộ luật Dân sự quy định, thời hiệu khởi kiện là 2 năm. Trong khi từ năm 1997, ông Thanh nhận nhuận bút, không thoả mãn mà cũng không kiện, bây giờ mới kiện là không có căn cứ để Tòa xem xét.
Sau khi xem xét các chứng cứ hai bên cung cấp, Hội đồng xét xử đã nhận định: cả hai bên đều chưa đưa được chứng cứ tài liệu rõ ràng về việc tác phẩm trên là do mình viết. Căn cứ vào bộ phim “Biệt động Sài Gòn” đã trình chiếu từ những năm 80 lấy tên đồng tác giả, Hội đồng xét xử kết luận tác quyền của tác phẩm thuộc về cả hai tác giả, không có cơ sở để xác định tác phẩm này là của riêng ông Nguyễn Thanh.
Việc ông Thanh kiện hãng phim truyện Việt Nam chưa trả tiền bản quyền cho ông cũng không có căn cứ. Tương tự, do ông Thanh không đưa được căn cứ chứng minh ông Phương đã gửi tác phẩm trên đến các nhà xuất bản nên cũng không có căn cứ để xử lý. Trên cơ sở đó, Tòa xác định ông Thanh và ông Phương là đồng tác giả, và tuyên buộc ông Lê Phương phải chia nhuật bút theo tỷ lệ 50 - 50 đối với ông Thanh.
Số tiền nhuận bút của Hãng phim truyện Việt Nam và của báo Sài Gòn giải phóng mà ông Phương còn phải thanh toán nốt cho ông Thanh là 6.050 đồng (vào thời điểm năm 1985), quy đổi đến thời điểm hiện nay là hơn 9 triệu đồng.
Ngay sau khi Tòa tuyên án, ông Nguyễn Thanh cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo vì không đồng ý với phán quyết trên của Tòa.