Báo động hiện tượng nghệ danh lai tiếng nước ngoài

16:01, 02/07/2009

Cho đến thời điểm này, trong làng nhạc trẻ đã xuất hiện vô vàn những cái tên lai của các danh ca gốc Việt. Nó không chỉ gây khó hiểu cho khán giả mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới văn hoá Việt. Đã đến lúc chúng ta cần có một thái độ nghiêm khắc đối với hiện tượng này.

 

Không khó để tìm trên các trang web âm nhạc, thậm chí trên cả truyền hình những cái tên Việt lai Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Anh… như Wanbi Nguyễn Anh Tuấn, Kiwi Ngô Mai Trang, Akira Phan, Mickey Từ Minh Hy, Hamlet Trương, Nadan Hoàng Gia, Be be Thúy, Bambi Trịnh, Baby J… Một danh mục hỗn độn khiến người ta tưởng như đây là một cuộc hội ngộ của những danh ca ngoại kiều. Nhưng sự thực, họ đều là những người Việt Nam, sinh sống tại Việt Nam và hát cho người Việt Nam. Vậy, lý do gì khiến họ lựa chọn cho mình những cái tên lai?

 

Thu hút khán giả bằng sự “tây hơn”, “lạ hơn”…

 

Baby J là nghệ danh của người đẹp Trương Tri Trúc Diễm khi cô đến với làng âm nhạc. Theo cô giải thích, lý do chọn nghệ danh này để phân biệt Trúc Diễm trong vai trò người mẫu và Trúc Diễm khi làm ca sĩ. Với người mẫu ảnh Phan Võ Thanh Hùng thì việc chọn nghệ danh Akira Phan cho sự nghiệp ca hát của anh chỉ đơn giản bởi ít có ai theo “phong cách” Nhật. Hay như người mẫu Ngô Mai Trang tâm sự thì cái tên Kiwi Ngô Mai Trang có “những nét chấm phá đầy tính nghệ thuật” để khi bước lên sân khấu ca nhạc sẽ “tạo nên dấu ấn riêng của mình”. Còn với Mickey Từ Minh Hy thì nghệ danh này là “một cái tên dễ nhớ, như vậy sẽ đem Hy đến gần khán giả hơn” v.v… Có 101 lý do dẫn đến nghệ danh trở nên “tây hơn”, “lạ hơn”; song, tựu chung lại thì đều là một cách để gây ấn tượng, thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ - những người dễ đưa các tân danh ca đến với sự nổi tiếng nhanh nhất bằng các hoạt động tôn vinh thần tượng.

 

Xin đừng đánh mất lòng tự tôn dân tộc!

 

Thực tế đã minh chứng ngôn ngữ đóng vai trò rất lớn đối với sự tồn tại của một quốc gia, dân tộc. Qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với biết bao kẻ thù xâm lược. Việc đầu tiên mà mỗi kẻ thù đặt chân đến nước ta đều lập tức thực hiện chính là đồng hoá ngôn ngữ và văn hoá. Suốt 1000 năm Bắc thuộc, phong kiến Trung Quốc từ cai trị trực tiếp đến gián tiếp đều nhất loạt sử dụng tiếng Hán và chữ Hán như một công cụ hữu hiệu trong hành chính và nhiều lĩnh vực khác.

 

 

Dưới thời cai trị của thực dân Pháp (1861-1945), mọi quyết sách mà nhà cầm quyền thực dân đưa ra đều nhằm mục đích tối thượng là làm cho người Việt Nam chấp nhận sử dụng tiếng Pháp, chữ Pháp, văn hoá và chính trị Pháp. Etienne Aymonier, một công sứ Pháp ở Bình Thuận đã nêu ra cách đồng hoá triệt để đến mức khủng khiếp: “Chớ nên dạy tiếng Pháp riêng cho hàng thân hào, cho giới lãnh đạo, mà phải nhắm vào những đứa trẻ của dân thường, con gái lẫn con trai. Tốt hơn là nhắm vào từng nhóm làng xã, chỗ này chỗ kia, trước tiên là ở những vùng phụ cận những trung tâm Âu Tây, hay trong những làng thiên chúa giáo, ở tất cả những nơi mà thiện chí được bộc lộ. Đó là cách mà tôi gọi là cắm ngôn ngữ vào đất bằng cách cho nó bắt rễ". Vậy mà, thật diệu kỳ biết bao, vượt lên trên mọi nỗ lực đồng hoá cao nhất, mạnh nhất của kẻ thù, dân tộc Việt Nam vẫn đứng vững cùng tiếng nói và chữ viết của mình. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó!

 

Không phải ngẫu nhiên mà Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh :"Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa…”. Không có lý do gì để chúng ta thay thế tiếng Việt bằng một thứ ngôn ngữ khác, lại càng không thể có lý do khi dùng ngôn ngữ khác để… đặt tên cho mình! Những người nghệ sĩ, ca sĩ là những người của công chúng, hơn ai hết, họ phải mang trong mình tinh thần dân tộc, tự tôn dân tộc - đó cũng chính là lòng tự trọng của người nghệ sĩ chân chính.

 

Đến đây, thay cho mọi điều muốn nói, tác giả bài viết xin được kết thúc bằng một câu nói của nhà văn, nhà báo Nguyễn An Ninh: “Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giải phóng các dân tộc bị thống trị… Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi… Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình!”.