Ngày 24/7, tại Quảng Ngãi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo khoa học quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh.
Tham dự hội thảo có ngài Herve Bolot, Đại sứ Pháp tại Việt Nam và trên 250 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo cổ học, các giáo sư, tiến sĩ trong nước và quốc tế đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực cùng các huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sa Huỳnh-Quảng Ngãi là nơi đầu tiên phát hiện Văn hóa Sa Huỳnh, là vùng trung tâm của Văn hóa Sa Huỳnh, một trong 3 nền văn hóa cổ phát triển rực rỡ trên đất nước Việt Nam trong thế giao thoa, tương tác với Văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam Bộ thời cổ.
Qua các thập niên của thế kỷ 20, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tốn nhiều tâm huyết, sức lực để phát hiện và nghiên cứu nền Văn hóa Sa Huỳnh.
100 năm trôi qua, nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, tiến trình nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Hội thảo khoa học quốc tế lần này là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo cổ học tiếp tục khám phá và nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh, đồng thời đánh dấu một bước quan trọng trong sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học và những người làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương và Trung ương.
Hơn 60 tham luận tại hội thảo của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước đều tập trung làm sáng tỏ các vấn đề về nguồn gốc, các giai đoạn tiền Sa Huỳnh, hậu Sa Huỳnh của Văn hóa Sa Huỳnh; quan hệ giao lưu của Văn hóa Sa Huỳnh với các nền Văn hóa Đông Sơn ở khu vực Bắc bộ, Văn hóa Đồng Nai-Óc Eo ở Nam Bộ cũng như các nền văn hóa tiền sử, sơ sử trong khu vực và thế giới...
Trên cơ sở đánh giá tiến trình phát hiện nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh một thế kỷ qua, các giá trị về mọi phương diện của nền Văn hóa Sa Huỳnh có một thời huy hoàng trên dải đất miền Trung; đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước cũng đề xuất các tỉnh miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị Văn hóa Sa Huỳnh; xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia cho các di tích Văn hóa Sa Huỳnh để bảo vệ.
Cần tập trung ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật trái phép; bảo tồn các di chỉ khảo cổ đã khai quật, sẽ khai quật nhằm nghiên cứu nhận diện rõ hơn về văn hóa này, để di sản Văn hóa Sa Huỳnh thành tài sản văn hóa phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ngành văn hóa-du lịch của đất nước.