Khi sức mạnh đoàn kết được phát huy

16:25, 12/07/2009

5 năm liên tục đạt danh hiệu làng văn hóa, là một trong ít xóm trên địa bàn tỉnh viết được lược sử của làng, mọi người dân đều có ý thức xây dựng tập thể và biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau... đó là những nét phác thảo về Lương Trình - một trong 12 xóm của xã Lương Phú (Phú Bình)

 

Chúng tôi đến Lương Trình vào một ngày đầu tháng 7, thời điểm này các đồng chí lãnh đạo xóm đang tất bật để hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho cuốn lược sử của làng. Bí thư Chi bộ xóm Nguyễn Hồng Quảng sau khi đưa chúng tôi từ UBND xã về nhà Trưởng xóm Ngô Văn Khiêm vội vàng lên huyện gửi nội dung cuốn lược sử qua email đến đồng chí Vũ Thanh Khôi, Trưởng phòng Lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ để nhờ chỉnh sửa lần cuối trước khi cho in ấn, phát hành. Trong câu chuyện với đồng chí Trưởng xóm, chúng tôi biết được, ý tưởng viết lược sử làng xuất phát từ một cá nhân trong xóm, sau đó được Chi bộ nhất trí thông qua và triển khai, lấy ý kiến trong nhân dân. Được mọi người đồng tình ủng hộ, Ban viết sử của xóm được thành lập với 10 thành viên.

 

Để có kinh phí, bà con trong xóm đã tự nguyện đóng góp theo khả năng của mỗi gia đình. Ngoài ra, xóm cũng đã được nhận sự hỗ trợ về kinh phí của chính quyền cấp trên. Các thành viên trong ban viết sử đã chia nhau tìm hiểu từ các nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện, Lịch sử Quân sự huyện, các cuốn sách giới thiệu về làng xã Việt Nam, qua các cụ cao niên, các bậc lão thành cách mạng đã từng hoạt động tại Lương Trình và qua người dân trong xóm. Dù vất vả, nhưng mọi người đều chung quyết tâm hoàn thành cho được cuốn lược sử để lưu giữ được quá khứ của làng, của những lớp người đi trước, giáo dục con cháu lòng tự hào, tin yêu vào mảnh đất cha ông, cũng như thấy được sự gắn kết, trách nhiệm sống cộng đồng của mỗi người.

 

Sau đó ông Khiêm đưa chúng tôi ra thăm khu vực giếng làng ngay sát nhà ông đang ở. Giếng làng nơi đây thực sự ấn tượng đối với chúng tôi. Cây đa hơn mười năm tuổi do một người dân trong làng trồng tỏa bóng mát rượi càng làm tăng vẻ yên ả và thiêng liêng của nơi tượng trưng cho văn hóa người Việt. Tôi buột miệng: Có cây đa, bến nước nhưng thiếu sân đình!? Ông Khiêm trầm ngâm: Trước đây, ở Lương Trình cũng có một ngôi đình rất bề thế. Hồi nhỏ, chúng tôi vẫn ra đình vui chơi. Nhưng tiếc là, qua thời gian và những biến cố của lịch sử, ngôi đình đã không còn. Lớp người chúng tôi khi nhớ lại đều thấy xao xuyến, tiếc nuối. Cũng chính vì thế, khi xóm chủ trương tôn tạo lại giếng làng đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Ngoài phần đóng góp theo quy định, nhiều hộ dân còn tự nguyện đóng góp và vận động con em mua ghế đá đặt tại khu vực giếng làng. Mực nước giếng luôn cao hơn mực nước ao khoảng 1m. Có năm, hạn hán, nhiều nhà thiếu nước sinh hoạt đã đến giếng làng gánh nước mang về dùng.

 

Hướng về phía cánh đồng xanh non trước mặt, ông Khiêm không giấu được sự tự hào: Lương Trình ở đầu kênh nên không bao giờ phải lo úng ngập hay thiếu nước. Mặc dù nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây trông cả vào 23ha đất trồng lúa, 14ha đất trồng màu, 8ha đất đồi bãi nhưng với sự ưu đãi của thiên nhiên, sự năng động, chịu thương chịu khó của người nông dân nên đời sống của người dân trong xóm ngày càng ổn định, phát triển. Đến nay, 100% các hộ đều có nhà xây; trên 90% gia đình có xe máy (nhiều nhà có tới 2-3 chiếc); gần 100% các hộ có phương tiện nghe nhìn, số hộ nghèo hiện chỉ còn 12% (trung bình của xã là 16,26%); 100% đường làng ngõ xóm đã được đổ bê tông. Đời sống phát triển, người dân có điều kiện đầu tư cho con cái học tập. Đến nay, cả xóm có trên 30 người tốt nghiệp đại học và trên đại học. Các phong trào của tập thể, cũng như việc huy động đóng góp trong nhân dân đều được mọi người nhịêt tình hưởng ứng.

 

Bà Ngô Thị Nghĩa không giấu được niềm vui khi nói về xóm mình: Đi đâu tôi cũng tự hào bởi tình làng nghĩa xóm của người dân quê tôi. Việc lớn, việc nhỏ người dân chúng tôi đều được thông qua. Việc gì cần bàn, mọi người đều ý thức tham gia xây dựng. Các khoản tiền nghĩa vụ cũng như việc vận động đóng góp ủng hộ chỉ cần thông báo trên loa là mọi người tự giác đến nhà Trưởng xóm nộp theo đúng thời gian quy định. Tới đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân chúng tôi sẽ góp công, góp của xây lại nhà văn hóa xóm để nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân được khang trang, sạch đẹp hơn. Bà bảo, tôi chỉ mong, làng quê nào cũng yên ấm, thanh bình như ở Lương Trình.