Những kỷ vật kháng chiến: Khắc hoạ lịch sử dân tộc

10:40, 07/07/2009

Đó là cuốn sách tập hợp những bài viết về kỷ vật kháng chiến với những câu chuyện cảm động về chiến công của bộ đội và nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tình cảm sâu sắc của bộ đội và nhân dân với Bác Hồ kính yêu, sự giúp đỡ và chở che của nhân dân với bộ đội trong kháng chiến, sự hy sinh vô bờ bến của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Cuốn sách do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành, nhằm hưởng ứng cuộc vận động sưu tầm, giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” và cuộc thi viết về “Những kỷ vật kháng chiến”. Ngày 14/2/2009, Bảo tàng quân sự Việt Nam, Báo Tiền Phong, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Thời báo Ngân hàng, Nhà xuất bản Công an nhân dân và Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á phối hợp tổ chức phát động cuộc thi sưu tầm, giới thiệu những kỷ vật kháng chiến. Sau lễ phát động, Báo Quân đội nhân dân đã đăng tải các bài, ảnh về kỷ vật kháng chiến trên các ấn phẩm của báo. Bạn đọc và nhân dân cả nước, đặc biệt là các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử đã tích cực hưởng ứng, hiến tặng kỷ vật cho cuộc vận động. Hàng trăm kỷ vật có giá trị đã được phát hiện, sưu tầm và hiến tặng Cơ quan thường trực Cuộc vận động. Một số ít những kỷ vật đó đã được giới thiệu với bạn đọc cả nước thông qua những bài viết xuất xứ, lai lịch và những câu chuyện có sức lôi cuốn, hấp dẫn gắn liền với cuộc đời và những chiến công của chủ nhân những hiện vật đó. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng kỷ vật kháng chiến hiện vẫn còn lưu giữ trong nhân dân rất nhiều, trong đó có những hiện vật quý. Để tiếp tục đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, Ban Tổ chức động viên nhân dân, cựu chiến binh trong và ngoài nước hiến tặng kỷ vật quý hiếm cho cuộc vận động phục vụ công tác nghiên cứu và tuyên truyền, giáo dục.

 

Cuộc thi viết “Những kỷ vật kháng chiến” nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là cán bộ chiến sĩ Lực lượng vũ trang và thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh anh hùng của quân đội và nhân dân trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc thi còn nhằm huy động cao nhất sự tham gia trực tiếp của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các tầng lớp nhân dân đã trải qua kháng chiến phát hiện, giới thiệu và hiến tặng kỷ vật. Những bài viết về kỷ vật cũng như những kỷ vật được giới thiệu, trưng bày và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ góp phần giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Cuốn sách “Những kỷ vật kháng chiến” hay còn có tên là Sự im lặng lên tiếng, là cuốn sách về Những kỷ vật kháng chiến đầu tiên được ra mắt đúng vào thời điểm phát động cuộc vận động, sưu tầm giới thiệu và cuộc thi viết về “Những kỷ vật kháng chiến”.

 

Cuốn sách đầu tiên đã giới thiệu 50 bài viết của nhiều tác giả về những kỷ vật vô giá của các anh hùng liệt sĩ, của những người đã từng chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đặc biệt là những câu chuyện cảm động về tình yêu, tình bạn, tình quân dân thắm thiết trong hai cuộc kháng chiến. Trong đó, có câu chuyện về vị Đại tướng đầu tiên và những kỷ vật vô giá. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân. Những năm gần đây, Đại tướng đã trao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khá nhiều hiện vật lịch sử gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó có súng ngắn, điện thoại, ống nhòm, bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp với các đồng chí được phong quân hàm cấp tướng năm 1958 và đặc biệt là bộ Huân chương cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông vì những đóng góp xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là Huân chương Quân công, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng. Những tấm Huân chương cao quý đó ông luôn đeo trên ngực mình, nơi trái tim mình, để luôn nhớ tới lời dạy của Bác Hồ: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo đươc nhân dân”. Tất cả những kỷ vật quý giá nhất của cuộc đời ông trao tặng cho bảo tàng với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thế hệ trẻ.

 

Câu chuyện “Đi tìm nhân vật M. trong nhật ký Đặng Thùy Trâm” là câu chuyện làm sáng tỏ nhân vật M. trong nhật ký Đặng Thùy Trâm, đồng thời đó cũng là câu chuyện cảm động về một con người cao đẹp, tài năng và đức độ - Đại tá Khương Thế Hưng (Bút danh Nguyên Mộc – Nhân vật M trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm).

 

Nhờ có em gái Đại tá Khương Thế Hưng (Chị Khương Băng Kính) lật lại những trang viết của anh trai mình ở chiến trường năm xưa, mà nhân vật M. và câu chuyện tình của Đặng Thùy Trâm và Khương Thế Hưng được lật mở.

 

Năm 1967, sau khi hai người gặp nhau, trên trang giấy Pơluya anh đã viết cho Thùy Trâm một bài thơ ẩn chứa một tâm sự sâu xa mà không phải ai cũng hiểu hết, kể cả Thùy!

 

Câu chuyện tình yêu của họ nén chặt trong cuốn sổ nhỏ. Một người lính ở phía bên kia lấy được cuốn nhật ký sau khi chị hy sinh. Cảm động trước tình yêu và lẽ sống của người phụ nữ Việt cộng qua những dòng chữ như có lửa trong cuốn nhật ký, thay vì đốt đi, người lính đó đã giữ lại đưa về Mỹ để rồi sau gần 40 năm mới có dịp công bố.

 

Còn nửa kia của người con trai, anh chôn chặt những suy nghĩ của mình tận đáy lòng, mang theo về cõi vĩnh hằng mà khi anh sống không một lần thổ lộ cùng ai, nếu như cô em gái của anh không lật lại những trang viết.

 

Khương Thế Hưng cũng rất yêu và quý mến Thùy, nhưng quê hương Tổ quốc cần anh, anh không muốn một người con gái phải chờ đợi trong sự vô vọng “Anh rất cảm phục trước tình yêu chung thủy của Thùy nhưng trái tim anh đau đớn khi thấy miền Nam đau thương quá, khi quê hương tiếng cười trào ra máu đỏ, khi đồng đội của anh từng ngày, từng giờ đã và đang ngã xuống để giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Anh sao đành lòng nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình. Cuộc ra đi của anh không hẹn ngày gặp lại, rất có thể một ngày nào đó anh cũng ngã xuống như đồng đội của mình. Điều quan trọng hơn anh nghĩ cô bác sĩ như Thùy phải có được một hạnh phúc trọn vẹn”.

 

Lý do để anh im lặng trước một mối tình mãnh liệt, say đắm và đầy lòng tự trọng của cô bác sĩ miền Bắc là như vậy.

 

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, Khương Thế Hưng được phân về Ban ký sự Lịch sử - Tổng cục Chính trị. Với vốn kiến thức phong phú, sâu sắc về chiến tranh, anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong các công trình nghiên cứu tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh mất năm 1999 do thương tật nặng và những di chứng của chiến tranh.

 

Trong suốt cuộc đời, Khương Thế Hưng đã sống xứng đáng với niềm tin của người chiến sĩ cách mạng. Bạn bè, đồng đội của anh nhận xét: Khương Thế Hưng không chỉ là một chiến sĩ, nghệ sĩ đa tài mà trong anh còn có phẩm chất cao quý hơn, đó là đức tính khiêm nhường, sẵn sàng hy sinh, nhường nhịn, một tâm hồn trong sáng vô tư hết lòng vì mọi người nhưng lại suốt đời không lo một chút gì cho bản thân.

 

Ngoài những câu chuyện về con người, đất nước Việt Nam, cuốn sách còn giới thiệu những bài viết về những người “tham chiến” ở Việt Nam, trong đó có những cựu binh Mỹ. Cựu tù binh – phi công Halyborton Porter Alex là một ví dụ. Kể từ ngày những tù binh tại trại giam Hỏa Lò (Hà Nội) được Việt Nam trao trả cho phía Mỹ tại sân bay Gia Lâm (12/2/1973), Halyborton đã nhiều lần trở lại Việt Nam như để kiếm tìm một thứ gì đó. Lần nào trở lại Việt Nam, điểm đầu tiên mà ông đặt chân đến cũng là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, và lần nào cũng nhìn ngó và lặng lẽ bước đi.

 

Cho đến ngày 10/3/2005, cựu binh Halyborton trở lại Việt Nam với vợ và một số người bạn Mỹ. Ông tự tách đoàn, lang thang ngắm nhìn hiện vật. Halyborton dừng lại khá lâu bên chiếc tủ kính, được đặt dưới chân chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 843, nơi trưng bày khá nhiều hiện vật về phi công Mỹ bị bắn rơi, bị bắt sống ở miền Bắc Việt Nam tư 1964-1972. Chợt ông sửng sốt reo lên “My shoes! My shoes…!” (Giày của tôi! Giày của tôi…!). Halyborton mừng quýnh lên, ông nhìn ngó và nhận ra phía trong đôi giày vẫn còn chữ Haly do chính ông viết để đánh dấu cho khỏi nhầm lẫn với giày của các phi công khác. Halyborton sung sướng tâm sự: “Tôi đã nhiều lần đến thăm bảo tàng này, ngắm đi ngắm lại những nơi bày xác máy bay, trang bị phi công mà không tìm lại được một vật nào của mình. Và lần này thật tình cờ, may mắn…”.

 

Halyborton là một trong số rất ít người may mắn tìm lại được kỷ vật trong chiến tranh tại Việt Nam. Đó như là một niềm an ủi, động viên cho những kẻ tham chiến khi đã gieo giắc bao nhiêu tội ác trong hai cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

 

Sẽ còn nhiều câu chuyện cảm động trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta được khắc họa trong “Những kỷ vật kháng chiến”. Hy vọng rằng sau khi cuốn sách đến với độc giả, sẽ có nhiều câu chuyện về những kỷ vật kháng chiến được khắc họa, để rồi những cuốn sách về “Những kỷ vật kháng chiến” cứ nối dài thêm.