Phát hiện tấm bia tạc 2 tượng hậu ở Phú Bình

16:06, 23/07/2009

Trong đợt điều tra tư liệu Hán Nôm ở huyện Phú Bình, các cán bộ Bảo tàng tỉnh đã phát hiện một tấm bia cổ tại di tích lịch sử văn hóa chùa làng Nguyễn, xã Hương Sơn. Đây là tấm bia tạc hai vị tượng hậu có giá trị nghiên cứu về văn hóa dân gian.

 

Tấm bia đá khắc 2 vị tượng cụ hậu được tạo tác là 1 một phiến đá nguyên khối màu xanh nhạt. Tấm bia cao 90 cm, rộng 45 cm, chất liệu đá khá tốt. Trán bia tạc hình bán nguyệt, chạm nổi hình mặt trời, xung quanh có cụm mây tao thành những đao mác nhọn.Trên trán bia ghi dòng chữ Hán theo chiều từ trái sang:"Tạo tác tượng hậu bi ký" (Bài ký về tạo tượng hậu chùa). Diềm bia được trang trí hình hoa dây. Trên bia tạc nổi 2 tượng hậu. Với lối chạm nổi khá sâu. Nét chạm tinh xảo theo phong cách tả thực giống như những nghệ nhân truyền thần, từ nét mặt, đến trang phục quần áo, tư thế ngồi, 2 tay chắp trước ngực.

 

Hình tượng con người được chạm khắc tinh vi, sinh động. 2 cụ hậu tạc trên bia là 2 người phụ nữ có khuôn mặt khác nhau. Người phía bên trái có khuôn mặt hình trái xoan, người phía bên phải có khuôn mặt tròn. Hai người trong tư thế mắt nhìn thẳng, mũi dọc dừa, miệng khép, tai to, cổ kiêu 3 ngấn. Áo mặc trên người là áo dài giống nhau. Cổ áo được may có 2 nếp viền lớn trên có thêu hoa cúc (biểu tượng của nhà Phật). 2 vị tượng hậu trong tư thế chân khoanh tròn, hai tay chắp bằng trước ngực, đầu để trần giống như những nhà sư thường gặp. Đặc biệt là trên áo 2 vị tượng hậu có nhiều nếp gấp thể hiện sự trang nhã và kín đáo, một trong những đặc trưng thể hiện cách ăn mặc và cốt cách của người phụ nữ thời xưa.

 

So sánh với những phù điêu tạc hình tượng con người trên bia đá thường gặp ở các chùa vùng đồng bằng thì người nghệ nhân thể hiện hình tượng con người ở bia chùa làng Nguyễn có sự giản dị hơn, gần gũi, đời thường hơn. 2 tượng hậu này đều được tạc ngồi trên toà sen, qua đây chúng ta có thể hiểu là 2 vị sư này tu đã chứng quả. Ở giữa tấm bia khoảng cách giữa 2 vị tượng người nghệ nhân tạc hình 1 lá sớ theo chiều dọc tấm bia, trên có khắc dòng chữ Hán: "Phật vi chính tiến hậu Phật: hiệu diệu Kiếm; hiệu diệu Nhân; "chính hồn thần vị hệ đệ niên cung nhị cụ ". Đây là bài vị ghi tên hiệu của hai vị hậu Phật, vị hậu Phật thứ nhất không rõ họ, tên, có tên hiệu là hiệu diệu Kiếm, vị hậu phật thứ 2 cũng không rõ họ, tên có tên hiệu là hiệu diệu Nhân, có thể đã tu ở chùa làng Nguyễn; và có những công đức đặc biệt mà nhân dân đã tạc tượng thờ ở chùa . Điều này cần phải tìm hiểu nghiên cứu thêm.

 

Theo các cụ cao tuổi ở địa phương thì ngày xưa ngoài tấm bia này còn có 1 tấm bia nữa nhưng sau đó do người ta đã đem bắc làm cầu, nay bị thất lạc chưa tìm thấy. Đây là tấm bia chạm khắc 1 mặt. Mặc dù bia không ghi niên đại nhưng dựa vào phong cách trang trí nghệ thuật chúng ta vẫn có thể ước đoán bia được dựng vào thời nhà Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).

 

Tấm bia tạc cụ hậu ở chùa làng Nguyễn là một hiện vật cổ không những có giá trị nghiên cứu về mặt lịch sử tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán bầu hậu phật ở địa phương mà còn có giá trị về nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật dân gian. Nét đặc sắc ở tấm bia được thể hiện trong cách ăn mặc của hai vị tượng hậu này là hai người phụ nữ thời cổ trong trang phục tu hành, giúp cho chúng ta tìm hiểu về cách thức trang phục của người phụ nữ thời xưa, đồng thời làm cơ sở cho các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian có thể phục dựng lại trang phục của người phụ nữ Việt Nam thời cổ.