Tiếng vọng từ nguồn cội

10:15, 18/07/2009

Năm 1909, Tập san Trường Viễn Đông bác cổ có đăng một mẩu tin ngắn về việc phát hiện kho chum tại cánh đồng muối huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), đánh dấu cho sự ra đời của Văn hóa Sa Huỳnh (VHSH). Trải qua 100 năm, những nghiên cứu khảo cổ học đã cung cấp nhiều tư liệu quý báu làm sáng tỏ nguồn gốc, niên đại, chủ nhân của VHSH.

 

Những bí ẩn dần hé lộ

 

TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học nhận xét, qua 100 năm, việc nghiên cứu VHSH đã tiến lên những bước nhận diện mới: Không gian phân bố mở rộng hơn, có sự giao thoa với nhiều nền văn hóa khác và phân bổ trên nhiều vùng sinh thái: đồi núi, đồng bằng, sông hồ... với hệ thống hiện vật phong phú.

 

Cho đến nay, khoảng 80 di tích thuộc VHSH đã được phát hiện, trong đó nhiều địa điểm đã được nghiên cứu khai quật. Những gì phát lộ đủ để chứng minh rằng VHSH thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, tồn tại trong khoảng từ thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ I, II sau Công nguyên. Địa bàn phân bố chủ yếu ở khu vực Nam Trung bộ Việt Nam mà trung tâm hiện thuộc các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định.

 

Nhắc đến VHSH, người ta nhớ đến ngay hình thức mộ táng và đây là đặc trưng điển hình về mặt di tích của nền văn hóa này. Từ kết quả khai quật cho thấy, có ba loại hình mộ táng: mộ chum, mộ nồi chôn úp nhau và mộ đất, trong đó mộ chum chiếm số lượng lớn nhất và đặc trưng nhất. Chum thường có nắp hình nón cụt đáy bằng, loại gần hình chóp nón đáy gần nhọn, loại hình cầu đáy lòng chảo... Có một số lượng nhỏ mộ có chum chôn lồng nhau. Kích thước chum khá đa dạng, chum lớn nhất có chiều cao tới 1,8m, đường kính 1m, đa phần cao dưới 1m, đường kính 50-60 cm. Quy mô cũng như phân bố các mộ trong di tích Sa Huỳnh cũng rất khác nhau, có những bãi mộ có hàng trăm chiếc như ở Thạch Đức, Phú Khương, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, kỷ lục có lẽ là ở di tích Cồn Ràng (Thừa Thiên Huế) đã phát hiện 207 mộ chum và 6 mộ đất trên diện tích khai quật 2.200m2...

 

Qua đặc trưng về sự phân bố, di tích, di vật giới khảo cổ nhận định rằng, cư dân nền VHSH có sự đa dạng trong phương thức khai thác kinh tế. Theo đó, kinh tế nông nghiệp khá đa dạng trên nhiều loại địa hình với nhiều hình thức canh tác trên ruộng nước, nương rẫy với các loại lúa, rau củ, hoa màu khác nhau kết hợp với khai thác thủy, hải sản và chăn nuôi. Các nghề thủ công như làm gốm, nghề luyện kim, nghề chế tác đồ trang sức bằng đá và thủy tinh... nhiều khả năng đã tách khỏi nông nghiệp và đạt tới trình độ cao trong khu vực.

 

Cùng với các đỉnh cao Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, Óc Eo ở miền Nam, đỉnh cao VHSH là cơ sở để hình thành nhà nước cổ đại đầu tiên ở miền Trung Việt Nam: nhà nước Lâm Ấp - Chăm Pa.

 

Cần có một bảo tàng VHSH?

 

TS Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết: Trong thời kỳ sơ sử, Việt Nam có 3 tượng đài như những đỉnh cao chói lọi của văn minh khu vực đó là Đông Sơn, Óc Eo và Sa Huỳnh. Một khối lượng di vật để lại ngày nay cho thấy, 3 nền văn hóa này không kém bất cứ một nền văn minh cổ nào trên thế giới nhưng dường như không mấy ai mường tượng nổi bởi chúng bị xé nát thành những sưu tập nhỏ, trưng bày khiêm tốn ở một số bảo tàng trong nước.

 

TS Phạm Quốc Quân cũng cho rằng, đã đến lúc phải nghĩ đến việc xây dựng một bảo tàng về VHSH tại Quảng Ngãi. Bảo tàng Sa Huỳnh này thông qua những bộ di vật đặc sắc của những giai đoạn phát triển trước Sa Huỳnh, hậu Sa Huỳnh, tiền Chăm Pa để có thể phác họa khá toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần, hoạt động kinh tế, cơ tầng xã hội, sự phát triển nội tại, sự tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài của nền văn hóa này với thế giới. "Với tư duy ấy, tại sao ở Thanh Hóa không có một bảo tàng Đông Sơn, ở Đồng bằng sông Cửu Long không có bảo tàng Óc Eo khi hai nền văn hóa này để lại cho hậu thế một kho tàng di sản đồ sộ" - TS Phạm Quốc Quân kết luận.

 

Theo các chuyên gia, "căn bệnh" của ngành bảo tồn, bảo tàng Việt Nam nhiều năm qua là nội dung trưng bày trùng lặp quá nhiều, khiến cho khách tham quan cảm thấy đơn điệu. Do đó, ý tưởng xây dựng Bảo tàng Sa Huỳnh, tiếp đến là Đông Sơn, Óc Eo dường như là lối ra cần thiết để thoát ly khỏi cách làm bảo tàng đã khá lỗi thời trong thời điểm hiện nay...