Chuyên san Odds (chuyên về các kỷ lục, chuyện lạ của nước Mỹ) điểm ra 7 tòa lâu đài có kiến trúc đẹp, hấp dẫn nhất và du khách không thể cưỡng lại sự tò mò mỗi khi ghé thăm những đất nước này.
Matsumoto, niềm tự hào của Nhật Bản
Tên cổ của lâu đài là Matsumotojo, người dân Nhật thường tự hào về công trình kiến trúc này và cho rằng, đây chính là lâu đài đẹp và hoành tráng nhất của Nhật Bản.
Khác với vị trí của các lâu đài cổ ở châu Âu, Matsumoto của Nhật Bản nằm trên đất bằng, các tháp canh xung quanh nhỏ hơn các lâu đài bình thường, được xây dựng vào những năm 1592, 1614.
Sau đó, các cuộc chiến tranh khiến Matsumoto không ít lần bị đe dọa. Hiện nay, Matsumoto là niềm tự hào, một biểu tượng của kiến trúc nước Nhật.
Predjamski, lâu đài cạnh miệng hang
Tòa lâu đài cạnh miệng hang nằm ở Slovenia, sự độc đáo của công trình kiến trúc này chính là gắn liền với hang động.
Lâu đài hang động, Predjamski.
Tên của tòa lâu đài là Predjamski Grad, có nghĩa là "Lâu đài trong hang động". Công trình kiến trúc này được thi công theo nhiều giai đoạn, phần đầu được xây dựng vào thế kỉ thứ 12, phần tiếp của tòa lâu đài được xây trong thế kỉ thứ 13 và đến thời Phục Hưng, Predjamski mới được hoàn thành.
Sau đó, lâu đài được chỉnh sửa và tu bổ theo thời gian, mang dáng dấp thế kỉ thứ 16. Đến nay, công trình kiến trúc này vẫn là địa điểm ghé thăm không thể thiếu của khách du lịch hàng năm.
Neuschwanstein, xứ sở thần tiên
Tòa lâu đài nổi tiếng này là một trong 3 công trình kiến trúc hoàng gia được biết đến nhiều nhất, nó được làm cho vua Louis đệ nhị Bavaria. Neuschwanstein nằm ở nước Đức, bắt đầu xây dựng từ năm 1869 và tạm ngừng khi vua Louis qua đời vào năm 1886.
Lâu đài Neuschwanstein.
Neuschwanstein còn nổi tiếng về "cách mạng hóa" tiện nghi bên trong, người dân châu Âu thời đó ví Neuschewanstein như "xử sở thần tiên, nơi những mỹ nhân và các nàng tiên sinh sống".
Những nét họa của câu chuyện cổ tích Disneyland "Nàng công chúa ngủ trong rừng" chính là lấy ý tưởng từ công trình kiến trúc lãng mạn này.
Malbork, cảm hứng từ kiến trúc Gothic
UNESCO đã đưa lâu đài và bảo tàng của Malbork vào danh sách Di sản thế giới cần được bảo tồn.
Lâu đài này xuất thân là một pháo đài, xây dựng tại Prussia theo đặt hàng của người Đức. Thời gian đó, công trình này được đặt tên là Marienburg (lâu đài của Mary), thị trấn xung quanh lâu đài cũng được gọi là Marienburg. Từ những năm 1945, lâu đài này thuộc về Ba Lan và có tên gọi chính thức là Malbork.
Nhìn từ xa, Malbork là một pháo đài.
Du khách đến thăm tòa lâu đài này đều có chung suy nghĩ: "Malbork như một điểm xuyết đỏ giữa bầu trời châu Âu".
Prague, báu vật của Cộng hòa Séc
Khu lâu đài này được ghi vào kỉ lục Guiness thế giới về độ hoành tráng cũng như đặc trưng cổ điển của nó. Công trình kiến trúc này có chiều dài 570 mét và rộng khoảng 130 mét.
Lâu đài cổ Prague vào buổi đêm.
Prague lưu giữ những báu vật hoàng gia của Cộng hòa Séc và cũng là nơi sau này, các đế chế La Mã và hiện nay Tổng thống Séc đặt trụ sở hành chính.
Prague luôn được xem là báu vật của Séc vì mang trong mình giá trị lịch sử và là minh chứng cho một nền kiến trúc bậc nhất.
Lowenburg, Disneyland của thế kỉ 18
Lâu đài Lowenburg từng được gọi là "lâu đài sư tử" do vua Landgrave Wihelm IX xây dựng. Lâu đài này được thiết kế tỉ mỉ, tinh tế đến từng họa tiết bởi một hội đồng hoàng gia, trong đó có kiến trúc sư nổi tiếng Heinrich Christoph Jussow. Ông đã từng tới nước Anh để nghiên cứu những phế tích kiến trúc lãng mạn và vẽ bản thiết kế vườn Landgrave.
Lâu đài Lowenburg được so sánh với Disneyland.
Nhìn từ xa, Lowenburg trông chẳng khác gì tòa Disneyland của Mỹ về độ rực rỡ và tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, người dân Đức không mấy mặn mà khi so sánh Lowenburg với Disneyland vì cho rằng: "Giá trị kiến trúc cổ điển của Lowenburg là vô giá".
Palacio de Pena, lãng mạn chất Âu châu
Palacio de Pena nằm trên thị trấn Sintra và du khách có thể ngắm tòa lâu đài từ Lisbon (Bồ Đào Nha). Công trình kiến trúc này được xây từ thế kỉ 15 và về sau nó được hiến làm tu viện.
Lãng mạn kiểu châu Âu.
Trận động đất năm 1755 đã phá hủy phần lớn lâu đài và nó chỉ được xây lại vào năm 1838 khi Hoàng tử Fernando yêu cầu. Lâu đài này là sự kết hợp có chọn lọc giữa kiến trúc cổ và hiện đại, thêm vào đó là một khu vườn theo kiểu Anh.