Dấu ấn Nhật Bản trong lòng đô thị cổ Hội An

14:02, 15/08/2009

Tại đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), 3 ngôi mộ cổ của các thương gia Nhật Bản niên đại hơn 400 năm  hiện còn nguyên vẹn là một di sản minh chứng cho quá trình giao thương, buôn bán và giao lưu, tiếp biến văn hoá giữa người Việt và người Nhật vào một thời kỳ sầm uất, phồn thịnh của thương cảng Hội An.

 

Phần mộ của thương gia Banjiro, lập năm Ất Tỵ - 1665 yên nghỉ ngay trong khu vườn râm mát của người dân thôn Trường Lệ (phường Cẩm Châu). Ngôi mộ còn tương đối nguyên vẹn với bia đá khắc chìm tên người đã khuất và một số thông tin bằng tiếng Nhật.

 

Cách đó chừng 300m, giữa cánh đồng xanh lúa, ngôi mộ thương gia TaniYajirobei quê ở Hirado (gần Nagasaki), lập năm Đinh Hợi - 1647, trên mộ khắc rõ 2 chữ Nhật Bản. Nấm mộ cùng các hạng mục khác làm bằng vôi cứng, pha chế từ bột vỏ sò khô với lá cây bời lời và mía đường - một vật liệu xây dựng phổ biến lúc bấy giờ của người Quảng Nam.

 

Vị trí đặt mộ tiền hậu khoáng đãng, tả hữu phân minh, chiếm lĩnh nhiều điểm tốt trong thuật phong thuỷ. Phía tả có 4 tấm bia đá 40x20cm nằm liền nhau ghi cùng một nội dung bằng 4 thứ tiếng Việt, Nhật, Anh, Pháp: “... Ông đã tìm mọi cách để sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An đến khi từ biệt cõi đời. Di tích này là bằng chứng về mối quan hệ tốt đẹp giữa thương nhân Nhật với cư dân Hội An vào giai đoạn thương cảng Hội An phát triển sầm uất đầu thế kỷ XVII".

 

Ngôi mộ thứ ba toạ lạc tại An Hoà, phường Tân An, được lập năm Kỷ Tỵ - 1689, của một thương gia nổi tiếng bậc nhất Hội An thời kỳ này - Gu Sikukun. Nhiều tài liệu ghi có thể ông là một thương nhân giàu có nhiều thế lực và giữ chức Thị trưởng điều hành toàn bộ hoạt động của người Nhật ở phố Nhật vào thế kỷ XVII.

 

Cả 3 ngôi mộ cổ hiện vẫn còn nguyên vẹn mô hình, cấu trúc xây dựng tự ban đầu và được người dân Hội An chăm nom, hương khói quanh năm.

 

Kiến trúc sư Ando Katsuhiro - tình nguyện viên của tổ chức JICA Nhật Bản nói: "Cha ông chúng tôi đang còn đó, trong vòng tay của Hội An. Nhiều thế kỷ đi qua, họ vẫn trường tồn và nhắc cho người Nhật như tôi hôm nay nhớ về mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 dân tộc".

 

Theo ông Trần Văn An, Trung tâm Quản lý-bảo tồn di tích Hội An, hiện Hội An còn lưu lại rất nhiều dấu tích của quá trình giao lưu văn hoá Việt-Nhật. Ngoài 3 ngôi mộ cổ còn một di tích đặc biệt là Chùa Cầu - vốn do người Việt và người Nhật cùng xây dựng, giờ trở thành biểu tượng của di sản Hội An.

 

Một hiện vật khác phản ánh quan hệ hữu nghị giữa hai nước là đồ gốm sứ. Qua công tác khảo cổ học, người ta tìm thấy nhiều mảnh vỡ của các lọ cắm hoá, bình đựng rượu, chân đèn... là gốm sứ Hizen xuất đi từ miền Arita - Nhật Bản. Ngược lại, trong danh mục gốm sứ Việt Nam tìm thấy ở Nhật Bản có một vài loại mang dáng dấp gốm Thanh Hà - Hội An.

 

Một số lượng lớn tiền đồng Nhật Bản thời Khoang Vĩnh - thế kỷ VXII cũng được tìm thấy ở Hội An... Điều này chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ, trước hết về quan hệ mậu dịch, dẫn đến giao lưu văn hoá giữa Nhật Bản-Việt Nam.

 

Mối tình bang giao Việt-Nhật hơn bốn thế kỷ qua đang được nối tiếp và đã được nâng tầm thành nét đẹp văn hoá, thông qua lễ hội giao lưu văn hoá Việt-Nhật được tổ chức thường niên ở Hội An.

 

Cuộc chuyển giao công nghệ bảo tồn các giá trị của di sản Hội An được xem là một thành tựu lớn. Mốc quan trọng là năm 1987, khi đô thị cổ Hội An chưa được thế giới biết đến và chỉ là một "thành phố dưỡng già" thì Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đến, đề xuất nhiều ý tưởng về một tương lai hợp tác.

 

Chuyên gia Jica Masahiko Shinozaki khẳng định: “Người Hội An đã giữ gìn những chứng tích của tiền nhân chúng tôi như di sản của chính mình. Vì thế, chúng tôi đến là để cùng chung sống với các bạn và tôn tạo những di sản đó!".

 

Từng ngày, vẫn hiển hiện bóng dáng những người Nhật công tác, làm việc tại đây và được người dân Hội An xem như “là người Hội An" như Giáo sư Fukukawa, Kikuchi Seiichi, Nagumo, Tomuda... Những nghĩa cử văn hoá ấy khẳng định tình hữu nghj, sự hợp tác bền chặt từ quá khứ đến tương lai của 2 nước Việt-Nhật.