Lê Hiền Minh (từ New York) với tác phẩm Những con chim là họa sĩ duy nhất của Việt Nam lần đầu tiên được mời tham gia The International Incheon Women Artists’ Biennale (IWAB) tổ chức tại Hàn Quốc từ 1-31/8.
Khởi đầu từ 2004, được tổ chức 2 năm/lần, IWAB là hoạt động lớn nhất tại Hàn Quốc mang tầm thế giới dành riêng cho phái đẹp làm nghệ thuật. IWAB năm nay quy tụ 299 nghệ sĩ đến từ 27 quốc gia.
Sinh năm 1979 tại Hà Nội, Lê Hiền Minh là con gái họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, cháu ngoại nhà văn Kim Lân. Thừa hưởng gen vẽ từ mẹ và bốn người cậu, Hiền Minh bộc lộ năng khiếu hội họa từ khi 3 tuổi.
Năm 8 tuổi, Minh đã được mẹ dạy làm sơn mài và bức tranh nhỏ đầu tiên trên chất liệu truyền thống đã được một vị khách Mỹ mua với giá 40 USD. Hiền Minh học khoa Sơn mài, Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và tự tìm kiếm học bổng sang Mỹ. Ngoài các triển lãm tại Việt Nam, cô đã có 4 triển lãm tại Mỹ và 2 tại Đức lúc đang là sinh viên.
Ra trường, Minh làm việc tại Trung tâm mỹ thuật đương đại Cincinnati kiếm tiền để đi vòng quanh... nước Mỹ. Cô lấy chồng người Mỹ và hiện đang sinh sống tại New York.
Chính lý lịch nghệ thuật và ý tưởng đa dạng mang tính toàn cầu trong tác phẩm của Hiền Minh đã làm cho curator (giám tuyển) của IWAB chú ý và tài trợ toàn bộ chi phí để cô tham dự IWAB.
Cuộc sống thực tế đầy lãng mạn và thiên hướng dịch chuyển được cô biểu tượng bằng những cánh chim tự do, bình yên, luôn tìm kiếm, tung cánh.
“Minh như những con chim. Lúc nào cũng bay đi bay về giữa Mỹ và Việt Nam, vì đây là hai ngôi nhà của tôi. Lúc ở Việt Nam thì nhớ Mỹ, lúc ở Mỹ thì nhớ Việt Nam. Tôi muốn tung cánh nữa để biết nhiều hơn, xem nhiều hơn, thỏa sức vẫy vùng bay lượn”, Minh nói.
Tác phẩm triển lãm Những con chim với 1.000 con được cô kiên nhẫn và tỷ mẩn làm bằng chất liệu cổ truyền Việt Nam. Lúc đầu, những con chim được làm bằng đất sét, sau đó đổ khuôn thạch cao, có khuôn thạch cao rồi mới đổ bột giấy dó vào.
Tiếp theo, cô lấy chim ra khỏi khuôn thạch cao và nặn lại từng con cho đúng chi tiết và đẹp hơn. Từ Mỹ, Minh đã thực hiện 50% tác phẩm. Đến Hàn Quốc, cô tiếp tục làm 50% còn lại.
Suốt 3 tuần qua, cô làm việc cật lực tại Incheon để hoàn thành tác phẩm có đường kính 3m. Chưa hết, cô dùng bột ngũ cốc truyền thống Hàn Quốc xoa vào các con chim, “như một cách giao lưu của Minh - những con chim - Việt Nam và Mỹ - với Hàn Quốc”, Hiền Minh giải thích thêm.