Nhìn ra biển cả - bộ phim về thời tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

14:09, 03/08/2009

Cách đây hai năm, kịch bản Nhìn ra biển cả của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Cục Ðiện ảnh Việt Nam tổ chức.

 

Hiện tại, Hãng phim Hội Ðiện ảnh đang tích cực triển khai các thủ tục cần thiết sớm đưa bộ phim vào sản xuất để kịp ra mắt vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh  Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2010) và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Từ trước đến nay, phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều đạo diễn khai thác, nhưng giai đoạn Người làm giáo viên ở Trường Dục Thanh hầu như chưa có ai đề cập. Chọn được lát cắt này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát khăn gói lên trại sáng tác Ðại Lải, viết thâu đêm suốt sáng. Bà khẳng định, hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong Nhìn ra biển cả có nhiều nét mới hơn so với những bộ phim trước đó về Người. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã gặp nhà văn Sơn Tùng, một trong những người rất am hiểu về Bác, để thu thập tài liệu cho tác phẩm của mình. Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà đã tìm thấy nhiều tư liệu quý giá như các bút tích cũ do những người từng là học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh viết lại cách đây hơn chục năm. Mọi sáng tạo trong kịch bản đều  căn cứ vào các cột mốc lịch sử để hình thành nhân vật thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Trong phim, có một số nhà chí sĩ, nhân sĩ yêu nước, những người sáng lập Trường Dục Thanh,  có ảnh hưởng đến sự hình thành nhân  cách, ý chí quyết tâm đi tìm đường cứu nước của thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

 

Mốc lịch sử  được chọn để khai thác trong bộ phim là thời gian từ năm 1908 đến 1911, lúc đó thầy giáo Nguyễn Tất Thành đang ở độ tuổi đôi mươi, hết lòng yêu thương học trò. Và trên hết, thầy giáo Nguyễn Tất Thành là người nặng nghĩa, nặng tình, lúc nào cũng trăn trở vì đất nước. Là phim lịch sử, nhưng Nhìn ra biển cả lại gắn với những vấn đề của cuộc sống hôm nay, đó là hình ảnh người thầy  mẫu mực, hết lòng mở mang trí, đức cho học trò. Ðiều khó khăn nhất hiện nay đối với các nhà làm phim là làm sao để tái dựng được những sự kiện, bối cảnh, cuộc sống của những năm đầu thế kỷ 20 một cách chân thực nhất nhưng vẫn đạt hiệu quả về mặt thẩm mỹ.

 

Ðạo diễn Trần Lực, người từng vào vai Bác Hồ trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công do Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Hãng phim Vân Nam (Trung Quốc) phối hợp sản xuất được chọn mặt gửi vàng thực hiện bộ phim này. Giữa tháng 8, sau khi chọn xong bối cảnh, hãng sẽ tổ chức tuyển diễn viên.

 

Hiện tại, mọi công việc đang được đoàn làm phim nỗ lực thực hiện để bộ phim sớm ra mắt công chúng, đạt hiệu quả cao.