Tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới

07:37, 28/08/2009

Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hoá Thái Nguyên đang có một diện mạo mới, một tầm thế mới thể hiện vai trò vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, dựng xây đất nước.

 

Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống ở tỉnh Thái Nguyên được nâng lên một bước mới. Đặc biệt đã phát huy được sức mạnh của công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nên đã huy động được sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa, góp phần làm cho văn hoá thấm sâu vào đời sống xã hội, mở ra những triển vọng to lớn trong phát triển nền văn hoá đa dân tộc, phong phú, đặc sắc trên quê hương Thái Nguyên.

 

Tỉnh ta tự hào là quê hương của nền văn hoá khảo cổ có niên đại tới gần 4 vạn năm - nền văn hoá đá cũ Thần Sa. Thái Nguyên cũng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có bề dày lịch sử, văn hoá và tiềm năng kinh tế, tri thức lớn. Với số lượng 780 di tích, trong đó có 199 di tích nằm trong khu di tích An toàn khu, hiện nay, cả tỉnh đã có 35 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 53 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, với các khu du lịch nổi tiếng như hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, Khu di tích lịch sử ATK... Xưa nay Thái Nguyên luôn giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, các di tích lịch sử ATK Thái Nguyên thuộc hệ thống di tích lịch sử cách mạng "Chiến khu Việt Bắc" đã được Chính phủ nhận định là "quan trọng bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX".

 

Hơn một năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích lịch sử được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Năm 2008, ngoài nguồn kinh phí đã chương trình mục tiêu, vốn sự nghiệp của Bộ, tỉnh đã quan tâm đến các di tích  lịch sử cấp tỉnh, do đó một số đền, chùa ở các địa phương đã được tôn tạo bằng nguồn kinh phí của tỉnh.

 

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá (THĐKXDĐSVH) ở khu dân cư" đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, đạt nhiều kết quả to lớn, giữ vững vị trí nòng cốt của phong trào TDĐKXDĐSVH. Thực hiện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) và UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL đã triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thành, thị tổ chức tổng kết 20 năm phong trào xây dựng làng văn hóa (1989-2009)...

 

Với lịch sử phát triển lâu đời, với những đặc trưng riêng, diện mạo riêng vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa đa dạng, đa sắc màu, văn hóa Thái Nguyên sẽ là vùng văn hóa mở, luôn có tính năng động, sẽ nhanh chóng hội nhập và vươn lên, sánh ngang với các tỉnh bạn, đồng thời mở rộng ra tầm quốc tế, góp phần "Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

 

64 năm, qua chặng đường dài xây dựng và phát triển của ngành Văn hóa Thái Nguyên, đã có sự phấn đấu, đóng góp to lớn  của các thế hệ những người làm công tác văn hóa. Đã có biết bao thành công lớn, nhỏ trên con đường xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cũng có nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, thăng trầm, yếu kém. Tựu chung cũng là sự tất yếu của quy luật vận động. Nhưng có một điều chắc chắn, thành quả của 64 năm ấy sẽ là nền tảng chắc chắn để sự nghiệp văn hóa kế thừa, tiếp tục phát triển trong thời kỳ Thái Nguyên đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh…