"Tủ sách làng"

14:55, 06/08/2009

Nhờ có sự giúp đỡ của Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh, kể từ tủ sách Nhà văn hóa đầu tiên được xây dựng vào tháng 5/2008 ở tổ 19, phường Quang Trung, đến nay Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao T.P Thái Nguyên đã phát triển được 53 tủ sách Nhà văn hóa ở 23/28 xã, phường, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của độc giả.

 

Từ 1 năm nay, ông Nguyễn Văn Cung, tổ dân phố 4, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) gắn bó với công việc phục vụ bạn đọc trong tổ. Vào thứ Bảy hằng tuần, mưa cũng như nắng, ông Cung lại khuân mấy trăm cuốn sách từ nhà mình sang nhà văn hóa của tổ dân phố để mọi người chọn, mượn đọc. Ông cho biết: Trước đây nhà văn hóa của tổ đã bị kẻ trộm dỡ mái, đột nhập lấy cắp một số tài sản, nên 300 bản sách, trị giá hơn 6,5 triệu đồng do Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao T.P Thái Nguyên giao cho nhà văn hóa tổ quản lý khai thác, sợ đánh cắp bán giấy vụn, nên tôi đã tình nguyện mang sách ra, cất vào để mọi người cùng đọc.

 

Vì cách phục vụ rất... người nhà nên bà con gọi vui “Tủ sách làng”. Ông Vũ Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao T.P Thái Nguyên cho biết: Nhờ có sự giúp đỡ của Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh, kể từ tủ sách Nhà văn hóa đầu tiên được xây dựng vào tháng 5/2008 ở tổ 19, phường Quang Trung, đến nay Trung tâm đã phát triển được 53 tủ sách Nhà văn hóa ở 23/28 xã, phường, với số sách luân chuyển gần 11 nghìn quyển, trị giá hơn 260 triệu đồng. Riêng năm 2008, Trung tâm xây dựng được 45 tủ sách, 7 tháng đầu năm 2009 Trung tâm xây dựng được 8 tủ sách. Đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả, sách được điều tiết phù hợp với từng vùng, như khu vực nông thôn được tăng cường các bản sách về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh nghiệm làm giàu... tủ sách ở khu vực trung tâm chủ yếu về lịch sử, chính trị, cách ứng xử trong cuộc sống và tiểu thuyết trong, ngoài nước... Để độc giả luôn có sách mới, Trung tâm hướng dẫn cho các tủ sách Nhà văn hóa cơ sở thực hiện 3 tháng luân chuyển sách 1 lần.

 

Về xã Tân Cương, chúng tôi đến thăm tủ sách Nhà văn hóa Y Na 2. Tủ sách được mở 2 ngày trong tuần. Nhưng giờ mở cửa được bắt đầu từ 12 giờ trưa đến 13 giờ 30 phút các ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Hai nữ thủ thư là Nguyễn Thị Thanh và Vũ Thị Thu đều là người say sách. Các chị cho biết: Độc giả của tủ sách là nông dân nên chỉ có chút thời gian rảnh buổi trưa đến mượn sách về đọc. Hiện tủ sách mới có 200 quyển, sách dành cho thiếu nhi chưa nhiều... Trong xã Tân Cương, ngoài tủ sách Nhà văn hóa Y Na 2 còn có 2 tủ sách được đặt ở nhà văn hóa xóm Guộc và xóm Đội Cấn, mỗi tủ sách có khoảng 300 bản, trung bình 1 tủ sách/tháng có gần 100 lượt độc giả đến mượn sách.

 

Bà Vũ Kim Chung, Tổ trưởng Tổ Nếp sống văn hóa, người được Trung tâm giao nhiệm vụ phụ trách tủ sách Nhà văn hóa cơ sở cho biết: Điều chúng tôi lo lắng nhất là có khi các tủ sách được trưng bày cho đẹp nhà văn hóa, nhưng sau 1 năm triển khai, chính chúng tôi cũng ngạc nhiên vì nhu cầu đọc của nhân dân rất lớn. Cũng từ tủ sách này, nhân dân còn tự nguyện hiến sách cho tủ sách Nhà văn hóa được khoảng hơn 1.000 quyển. Nhiều bác là cán bộ lão thành cách mạng, bí thư chi bộ... còn mang tặng cho tủ sách Nhà văn hóa một số đầu báo, tạp chí... Nhớ dịp tháng 7/2008, khi chúng tôi mang sách về phường Gia Sàng, giao cho các tủ sách Nhà văn hóa tổ 4, tổ 19, tổ 21, đến nơi đã thấy bà con ngồi đợi từ lâu!.

 

Gọi là “Tủ sách làng”, nhưng các tủ sách ở nhà văn hóa xóm, tổ dân cư được nhân dân góp tiền làm khung kính, có bàn, ghế ngồi đọc sách, có nội quy và lịch mở cửa phòng đọc. Với riêng thủ thư còn được tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ. Khi đến tủ sách Nhà văn hóa liên tổ 5, 6, 26, 27 phường Hoàng Văn Thụ, chúng tôi gặp ở đây những độc giả tóc bạc trắng, có cả các cháu thiếu niên nhi đồng đang chăm chú tra tìm sách trong thư mục. Ông Lý Xuân Ngọ, 68 tuổi, thủ thư cho biết: Tủ sách được mở cửa từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ các ngày Chủ nhật trong tháng. Tủ sách được trang bị 662 cuốn sách, trung bình mỗi ngày mở cửa có khoảng trên 20 lượt người mượn sách. Sau hơn 13 tháng mở cửa (từ cuối tháng 6/2008 đến hết tháng 7/2009) tủ sách đã thu hút được trên 1.000 lượt độc giả... Có mặt ở đó, độc giả Nông Quang Hoạt, 84 tuổi, tổ 26 cho biết: Tuần nào tôi cũng đến mượn sách về đọc, nghiên cứu, tôi thích sách viết về lịch sử Việt Nam, hồi ký của các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng... Vừa rồi tôi dành hẳn 1 tháng đọc cuốn “Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

 

Tủ sách Nhà văn hóa cơ sở nghiễm nhiên trở thành điểm hẹn của những người thích đọc, ở đó mọi người được bổ sung thêm các kiến thức về lịch sử, văn hóa và cả những kinh nghiệm sông lâu, sống khỏe và kiến thức làm giàu. Ông Lê Duy My, 69 tuổi, Chủ nhiệm Nhà văn hóa liên tổ 5, 6, 26, 27 phường Hoàng Văn Thụ cho biết thêm: Tủ sách Nhà văn hóa cơ sở còn thu hút được nhiều thời gian của các cháu thanh, thiếu niên trong phường đến đọc, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho các cháu, nhiều cháu vì thế không sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

 

Chia tay ông My, ông Ngọ và độc giả phường Hoàng Văn Thụ, tôi nhớ đến “bản kế hoạch hành động” của Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao T.P Thái Nguyên về việc triển khai tủ sách Nhà văn hóa cơ sở. Trong đó nêu rõ: Dự kiến đến ngày 30/12/2010, toàn bộ 100% xã phường của T. P Thái Nguyên được triển khai tủ sách đến Nhà văn hóa cơ sở. Tôi cũng như nhiều người, mong điều đó trở thành hiện thực.