Nhà rông rộng hàng trăm mét vuông, cao như cây cổ thụ thường chỉ thấy tại các vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên nhưng giờ ngay tại Thái Nguyên - Trung tâm vùng Việt Bắc đã có một nhà rông lớn vào bậc nhất cả nước…
Thời học phổ thông, tôi rất thích đọc tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành, bởi trong tác phẩm đó cây xà nu và nhà rông là những biểu tượng sinh động cho sức sống mãnh liệt, sự kiên trung, bất khuất của đồng bào Tây Nguyên. Sau đó, các đạo diễn đã chuyển thể một số tác phẩm văn học nổi tiếng viết về Tây Nguyên thành bộ phim “Đất nước đứng lên” và một lần nữa hình ảnh nhà rông, con người Tây Nguyên lại gây những ấn tượng khó phai nên tôi đã xem bộ phim này tới 3 lần mà vẫn muốn xem nữa.
Tôi đã có một vài lần được trực tiếp ngắm nhìn, đứng trên sàn gỗ của nhà rông để nhè nhẹ hít mùi thơm của gỗ, nghe tiếng cỏ tranh ràn rạt khi gió thổi nơi mái đầu hồi nhưng vẫn chưa có cơ hội được tìm hiểu sâu về di sản quý giá này. Và một dịp thật tình cờ vào thời điểm cuối năm 2005, khi đang lang thang ngắm cảnh tại khu vực bên ngoài của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở T.P Thái Nguyên, tôi phát hiện một lượng gỗ lớn, trong đó có một số cây cột to tới mức 2 người ôm chưa hết và dài cả chục mét. Vừa tò mò, vừa ấn tượng về lượng gỗ nói trên nên trong những lần làm việc với lãnh đạo Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tôi đều dò hỏi, tìm hiểu về những cây cột khổng lồ này và được biết đây là vật liệu rỡ ra từ nhà rông trưng bày tại Bảo tàng Thống nhất trong T.P Hồ Chi Minh để chuẩn bị phục dựng lại tại vùng chiến khu Việt Bắc.
Công trình nêu trên đã được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tình nguyện tìm kiếm vật liệu tại những cánh rừng giáp biên giới Việt - Lào trong vòng hơn một năm trời để xây dựng nhà rông hiến tặng đồng bào miền
Cùng chúng tôi lên nhà rông vừa được dựng trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và hướng ra sông Cầu thơ mộng để đón gió, Nhà bảo tàng học Diệp Thanh Bình, Trưởng phòng Trưng bày của Bảo tàng như trẻ lại khi thấy “đứa con tinh thần” của mình hiện hữu giống chàng trai Tây Nguyên hùng dũng sau bao năm lao tâm, khổ tứ.. Ông Bình tâm sự với tôi: “Cả cuộc đời gắn bó với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa nhưng đây là tác phẩm tôi thấy tâm đắc và yêu quý nhất...”. Nhà rông này được xây dựng theo kiến trúc nhà rông truyền thống của đồng bào Ba-na ở tỉnh Kon Tum nên 100% vật liệu của ngôi nhà đều được lấy từ tự nhiên như gỗ, tranh, tre, nứa, có tranh, dây mây. Đặc biệt là hệ thống cột của nhà rông gồm 4 cột cái có đường kính rộng tới gần 1m, cao 9m, các cột sườn, cột phụ có đường kính từ 0,6m tới 0,8m và đều là loại gỗ cam-se, ca-chít (2 loại gỗ quý hiếm ở núi rừng Tây Nguyên). Những cây cột này đều được chôn sâu xuống đất tới 4m để chịu lực và giữ sự cân bằng cho nhà không bị lay chuyển khi mưa to, bão lớn. Hệ thống kèo, xà, mè, dui, ván sàn, ván bưng của nhà rông cũng được làm từ nhiều loại gỗ quý và bào, đánh bóng rất kỳ công. Riêng phần mái của nhà rông được các nghệ nhân thiết kế, thi công với bí quyết riêng nên đã có độ cao cả chục mét và dốc đứng. Do vậy trông xa mái của nhà rông giống như một lưỡi rìu hướng lên trời xanh. Điều ấn tượng của phần mái của nhà rông là được phủ lên bởi trên 30 tấn cỏ tranh được chọn lựa cẩn thận từ Quảng Bình nên mượt à, óng ả như tóc người thiếu nữ.
Giải đáp những điều về tổng thể, chi tiết của nhà rông này, nhà dân tộc học Diệp Thanh Bình đã phải “chịu đựng” cả buổi để trả lời hết những câu hỏi “ngu ngơ” của một người “ngoại đạo” như tôi. Nào hoa văn chạm khắc, vẽ trên những vật dụng, trên đỉnh mái của nhà rông có nghĩa gì? Tại sao cầu thang của nhà rông lại có bên cái, bên đực?... Một buổi cùng ông Bình tìm hiểu về nhà rông vẫn chưa làm tôi thỏa mãn, tìm đủ những điều cần biết về nhà rông nên tôi đã nhờ chị Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng khi nào các nghệ nhân ở làng Kon tom K,pơng (T.P Kon Tum) ra thi công lần 2 nhắc giúp để tôi có cơ hội tìm hiểu tiếp về nhà rông nhưng do bận cộng việc nên tôi đã lỡ mất cơ hội. Nhưng cũng rất may là tôi đã liên lạc được với ông Hùng - một trong những người am hiểu về nhà rông và trực tiếp thi công trình này hiện đang sống tại T.P Kon Tum. Kiến thức tiếp thu được về nhà rông sau cuộc điện thoại với ông Hùng không nhiều do khoảng cách và do người trả lời chưa hiểu hết được nguyện vọng của người hỏi nhưng dù sao như thế cũng đã hòm hòm tư liệu cho tôi viết báo này. Không chỉ tôi ấn tượng với nhà rông trong khuôn viên Bảo tàng mà rất nhiều người dân đã đến chiêm ngưỡng công trình này ngay từ khi nó mới được bắt đầu được xây dựng. Bác Nguyễn Văn Thông ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Ngày nào tôi cũng đi bộ một vòng quanh Bảo tàng và nhà rông là công trình tôi đứng ngắm nhìn lâu nhất vì nó được xây dựng to đẹp nhưng vẫn giữ được nguyên bản sắc của Tây Nguyên”.
Nhưng nhà rông chỉ là một công trình trong nhóm các công trình về vùng văn Trường Sơn - Tây Nguyên và vùng văn hóa này cũng chỉ là một trong 6 vùng văn hóa mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang xây dựng như: Vùng văn hóa núi cao phía Bắc; vùng văn hóa thung lũng; vùng văn hóa trung du - đồng bằng; vùng văn hóa miền Trung - ven biển và vùng văn hóa đồng bằng Nam Bộ. Ở mỗi vùng văn hóa đó lại hiện hữu một cách chi tiết, đầy đủ từ ngôi nhà trình đất của người, cảnh sản xuất, sinh hoạt văn hóa của người Tày cho tới những mảng màu lộng lẫy, đường nét tinh hóa các công trình kiến trúc đặc trưng của đồng bào Khơ-me… với tổng vốn đầu tư cho Dự án trưng bày ngoài trời này lên tới gần 100 tỷ đồng. Vẫn theo chị Ngân sau khi tập thể cán bộ, nhân viên của đơn vị nỗ lực để thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số để hiện đại hóa việc giới thiệu các nền văn hóa được trưng bày trong nhà. Đơn vị đã tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng tổ hợp các công trình trưng bày ngoài trời với mục đích tái hiện một cách sinh động, cụ thể các công trình, hoạt động văn hóa truyền thống của một số dân tộc đại diện cho các vùng, miền văn của cả nước để nhân dân tham quan. Cùng với đó, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ phối hợp với các công ty làm du lịch trên địa bàn tỉnh để xây dựng hệ thống các dịch vụ về ẩm thực văn hóa, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ để biến đây thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn.
Chìm đắm trong những ý tưởng và sự đam mê nghề nghiệp công việc của các nhà bảo tàng học, dân tộc học ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nên chắc chắn không lâu nữa đây sẽ là một “triển lãm thu nhỏ” về các vùng văn hóa của tộc Việt Nam để giúp nhân dân vùng Việt Bắc có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc. Hơn nữa, đây còn là kho tư liệu vô giá đối với những người đam mê nghiên cứu về văn hóa truyền thống..