Hãy để Trung thu là của trẻ em

14:27, 27/09/2009

Một mùa Trung  thu nữa lại về, dễ nhận thấy không khí Trung thu đang hiện diện trên nhiều nẻo đường trong thành phố: Trên các cửa hàng bánh kẹo, bánh Trung thu của các hãng xản suất nổi tiếng bày la liệt, trong các cửa hàng tạp hóa, đồ chơi cho ngày Trung thu cũng ngập tràn. Nhưng bây giờ Trung thu không biết có phải chỉ dành cho trẻ con?

 

Tết Trung thu có nguồn gốc từ đời Đường (Trung Quốc). Tết Trung thu không chỉ là ngày tết của người Trung Hoa, mà còn là ngày Tết của những quốc gia chịu ảnh hưởng của Trung Quốc như Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam... Theo lịch sử Trung Quốc, tháng 8 âm lịch là tháng thứ hai của mùa Thu, người xưa gọi là "Trọng Thu", vì thế dân gian gọi là Trung Thu hay là lễ tháng 8, lễ giữa tháng 8, lễ Trăng...

 

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng Trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.

 

Bánh Trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên, là thứ không thể thiếu để cúng trăng và thổ địa công vào mỗi mùa trung thu. Phong tục ăn bánh Trung thu vào Tết Trung thu bắt đầu từ cuối đời nhà Nguyên bên Trung Quốc.

 

Phong tục truyền thống đẹp ấy vẫn đang được người việt Nam gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện tại nhưng đã bị biến tướng ít nhiều. Bây giờ bánh Trung thu hình như không phải chỉ dành cho trẻ con mà còn dành cho …người lớn. Các hãng bánh nổi tiếng trong nước tung ra thị trường nhiều loại bánh với giá cả khác nhau. Ngẫm ra thấy có chút nghịch lý, bởi trẻ con bây giờ hàng ngày được ăn uống đầy đủ các chất đâu cần đến những loại bánh thuộc hàng "khủng", nếu chúng có háo hức cũng chỉ chấm mút vài miếng là chán, vậy những chiếc bánh giá vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng hình thức bắt mắt, chất lượng được quảng cáo là dòng bánh cao cấp (Đã là bánh Trung thu dành cho trẻ con sao lại phải phân biệt sang, hèn cao, thấp?) đâu phải giành cho trẻ con. Đương nhiên là bán cho người lớn. Người lớn mua bánh Trung thu đôi khi không phải để cho con trẻ mà để biếu xén, quà cáp. Người ta dùng bánh Trung thu để đi ngoại giao, thể hiện đẳng cấp qua từng loại bánh, vậy là vô hình chung hình tượng rất đẹp của bánh Trung thu bỗng trở lên méo mó.

 

Cùng với bánh trung thu, đồ chơi cho trẻ trong ngày này cũng ít nhiều đổi thay, có thể do nhịp sống hiện đại đã khiến không ít gia đình quên mất cách nuôi dưỡng tâm hồn trẻ qua đồ chơi. Gần đến ngày rằm chỉ việc đưa con ra cửa hàng "tha" về nào súng, mặt nạ và đủ các loại đèn chạy bằng… pin. Các loại đồ chơi truyền thống không giành được chỗ đứngdù nhỏ nhoi trên sạp hàng, và cái cảnh ông dạy cháu làm đèn ông sao đèn kéo quân đón trăng trở thành …của hiếm.

 

Rồi đến đêm rằm, người ta đổ ra đường, chen lấn nhau để trẻ em …ngắm điện, bởi ánh trăng vàng đã bị nhiều ngôi nhà cao tầng làm khuất lấp. Những câu chuyện cổ tích hấp dẫn về chị Hằng về chú Cuội vắng dần, trẻ con sẽ dần không hiểu vì sao lại có Tết trung thu, không hiểu sự tích của những món đồ chơi đặc trưng trong ngày Tết này.

 

Trung thu vốn là nét văn hóa đẹp, là dịp để nuôi dưỡng và hình thành nhân cách cho trẻ nhỏ. Cuộc sống dù có hiện đại, bận rộn đến đâu thì những nét văn hóa truyền thống vẫn rất cần được gìn giữ theo đúng ý nghĩa của nó. Bởi thế hãy để Trung thu là của trẻ nhỏ, hãy để trẻ em được đắm mình trong những câu chuyện cổ tích đêm rằm, để qua mỗi mùa Trung thu tâm hồn trẻ thơ giàu thêm lòng nhân ái… nhưng điều đó lại phụ thuộc vào chính người lớn chúng ta chứ không phải trẻ em.