Vòng chung kết Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tranh giải Báo Hải Phòng diễn ra sáng chủ nhật 27/ 9 (mồng 9 tháng 8 Kỷ Sửu) cùng với ý nghĩa là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia như mọi năm, mang ý nghĩa đặc biệt khác, sẽ tưng bừng, hấp dẫn, kịch tính và hay hơn.
Từ xa xưa, truyền thuyết về Lễ hội chọi trâu gắn với tục thờ thần Điểm Tước được truyền tụng rộng rãi trong nhân dân miền biển phía Bắc. Hằng năm, cứ vào ngày 9/8 âm lịch, người dân Đồ Sơn nói riêng, Hải Phòng nói chung lại có dịp chứng kiến một lễ hội độc đáo, mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân địa phương:
Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về.
Dù ai bận rộn trăm nghề
Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu.
Lễ hội chọi trâu mở rộng và phát triển như hiện nay là cố gắng rất lớn, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đồ Sơn, sự giúp đỡ của lãnh đạo thành phố và các ngành, bên cạnh đó có sự đóng góp tích cực của Báo Hải Phòng. Trước đây, Lễ hội chọi trâu quy mô nhỏ, cấp xã. Năm 1989, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục.
Để mở rộng quy mô và ảnh hưởng của lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá vùng đồng bằng duyên hải Bắc bộ, từ năm 1994, Báo Hải Phòng chính thức phối hợp với quận Đồ Sơn (khi đó là thị xã) hằng năm tổ chức "Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn-giải Báo Hải Phòng". Ban tổ chức lễ hội do Chủ tịch UBND thị xã làm trưởng ban,Tổng biên tập Báo Hải Phòng làm Phó trưởng ban. Báo Hải Phòng phân công một tổ công tác chuyên lo phối hợp với Đồ Sơn tổ chức các hoạt động, trong đó có việc vận động các doanh nghiệp tài trợ cho hội chọi trâu. Báo Hải Phòng trực tiếp trao giải hai chủ trâu có trâu chọi hay nhất lễ hội. Với sự đóng góp của Báo Hải Phòng, ảnh hưởng và tiếng vang của Lễ hội chọi trâu lan rộng khắp mọi miền đất nước, đến một số nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Pháp... Các đoàn báo chí nước ngoài đến Hải Phòng xem chọi trâu đều đăng tin, bài, ảnh và phát các chương trình trên đài truyền hình về hội chọi trâu Đồ Sơn. Năm 2006, lần đầu lễ hội được tổ chức vào dịp khai trương các hoạt động du lịch hè ở Đồ Sơn. Mấy năm gần đây, Đài PTTH Hải Phòng cùng vào cuộc, góp phần tuyên truyền đậm lễ hội chọi trâu, đồng thời số nhà tài trợ ngày càng đông.
Mỗi năm, lễ hội chọi trâu đều có thêm nét mới. Năm 1991, chỉ có 6 trâu vào vòng chung kết. Các năm tiếp theo, số trâu tham gia lễ hội ngày càng tăng lên. Đến nay, số trâu vào vòng chung kết lên tới 16 trâu (32 trâu dự vòng loại). Bản tấu trống cũng được thay đổi nhiều lần, nhưng cái gốc của lễ hội vẫn còn giữ nguyên vẹn. Đó là phần múa cờ trận, dịch loa gọi các "ông trâu" vào trận...Năm 2006 là năm hội chọi trâu có thêm nhiều nét mới, lần đầu linh vật của lễ hội xuất hiện, đó là "ông trâu" được đúc bằng đồng; lễ rước nước cũng khác, không tiến hành lễ ở khu vực đình Ngọc Xuyên như mọi lần mà làm lễ tại đền Nghè.
Năm nay, quận Đồ Sơn tiếp tục phối hợp với Báo Hải Phòng, Đài PTTH Hải Phòng tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống tranh giải Báo Hải Phòng, kỷ niệm 20 năm khôi phục và phát triển lễ hội. Quy mô Lễ hội chọi trâu được mở rộng với nhiều hoạt động mới, hấp dẫn. Các chủ trâu đầu tư công sức, vật chất, tìm mua, chăm sóc, huấn luyện công phu, trải qua vòng đấu loại hấp dẫn nên chất lượng các trâu vòng chung kết cao. Các hoạt động chào mừng cùng với việc truyền hình Hải Phòng, kênh VCTV3 và VTV4 truyền hình trực tiếp vòng chung kết lễ hội, góp phần tạo dấu ấn của ngày hội lớn, xứng với tầm vóc 20 năm khôi phục và phát triển. Lễ hội thu hút hàng vạn du khách đến xem và là dịp quảng bá hình ảnh, nâng tầm du lịch Đồ Sơn trong mắt của du khách trong và ngoài nước.
Nhân dịp này, nhiều hoạt động lần đầu được tổ chức như hội chợ du lịch- thương mại Đồ Sơn năm 2009 với hàng trăm gian hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia; đêm biểu diễn nghệ thuật với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như Doãn Tần, Lưu Thiên Hương, Mỹ Dung. Phòng trưng bày một số hình ảnh, hiện vật lễ hội chọi trâu truyền thống kỷ niệm 20 năm khôi phục và phát triển giúp người xem có cái nhìn toàn diện, tổng thể về chặng đường đáng tự hào của người dân, các thế hệ lãnh đạo của quận Đồ Sơn, Báo Hải Phòng dày công khôi phục, quảng bá, phát triển lễ hội độc đáo, xứng tầm lễ hội cấp quốc gia. Đặc biệt, tại lễ khai mạc vòng chung kết, màn múa cờ, tấu trống sẽ rực rỡ sắc màu, ấn tượng với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, học sinh (đông nhất từ trước đến nay). Trong đó có sự xuất hiện của chiếc trống đại trong dàn tấu trống. Cơ cấu giải thưởng đa dạng hơn, có trâu tham dự là được thưởng. Trong đó, giải nhất trị giá 40 triệu đồng, cao hơn hẳn mọi năm.
Hiện nay, một vài địa phương cũng tổ chức hội chọi trâu ở cấp xã, phường nhưng chưa lễ hội nào có quy mô lớn, tổ chức bài bản và có quan hệ mật thiết, phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ nhiệt tình, lâu bền, hiệu quả của cơ quan báo Đảng như Báo Hải Phòng với Hội chọi trâu Đồ Sơn.