Rưng rưng nhớ Bác

08:57, 02/09/2009

40 năm đã qua nhưng mỗi lần vào Lăng viếng Bác, ngắm tư liệu, hiện vật gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, trái tim hàng triệu người con nước Việt chung nhịp đập nhớ Bác.

 

Những ngày tháng Tám này, triển lãm "Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình - 40 năm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giúp người xem có cuộc hành trình ngược về lịch sử.

 

 Mỗi tư liệu, triệu tấm lòng

 

Đón khách tham quan đến hết tháng 11 năm nay, triển lãm "Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình - 40 năm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh" đã giới thiệu đến công chúng hơn 200 hình ảnh, tài liệu và 40 hiện vật quý, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu được đưa ra trưng bày như: chiếc áo ka-ki màu trắng giản dị Người mặc khi qua đời, chiếc lược chải tóc, chiếc lọ thủy tinh đựng dung dịch bảo quản thi hài, chiếc máy hút dịch của Viện Quân y 108 chuyển giao cho Viện 69 để giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chiếc xe ô tô biển số FH-14-68 chở thi hài Bác từ Phủ Chủ tịch tới Viện Quân y 108 vào ngày 2-9-1969… Khối tư liệu, hiện vật quý giá giúp người xem biết nhiều hơn về quá trình gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch trong 40 năm qua, kể từ khi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam hội đàm với Đảng và Chính phủ Liên Xô về đào tạo bác sĩ, chuẩn bị cho việc gìn giữ lâu dài thi hài Người...

 

TS Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Hiện vật, tài liệu mới về Người ngày một hiếm dần nhưng di sản lòng dân với Bác thì còn mãi. Để có khối hiện vật nguyên bản đủ sức kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp du khách hiểu được cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch, cán bộ bảo tàng đã tới 42 nước Bác đã đi qua. Các dụng cụ y tế dùng để giữ gìn thi hài Bác được trưng bày tại triển lãm này do cán bộ bảo tàng sưu tầm trong nhiều năm. Hay để có tấm hình chuyên gia Liên Xô, Tiệp Khắc đang điều chỉnh kỹ thuật xây dựng công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh, các "phó nháy" đã phải đội nắng chang chang chụp hàng trăm kiểu mới chọn được một kiểu chân thật, gây xúc động cho người xem như thế". 

 

Ông Tính cho biết thêm: Trong gần 40 năm kể từ khi có quyết định thành lập (25-11-1970) và gần 20 năm kể từ ngày bảo tàng chính thức mở cửa đón khách (19-5-1990), đã có hơn 20 triệu lượt người đến tham quan, trong đó khách quốc tế có hơn 4 triệu lượt người.

 

 Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn

 

Những ngày này, Bảo tàng Hồ Chí Minh đón hàng vạn lượt khách, dù tâm thế mỗi người có khác nhưng lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam thì trăm người như một. Anh Debreu Stanislas (người Pháp), người có 5 năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam cho biết: Tôi thường đưa con đến viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu di tích vào những ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, muốn chúng hiểu hơn về truyền thống của quê hương thứ hai.

 

Cụ Bùi Xuân Trung, người thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình cố lết cái chân đau để được tận mắt ngắm nhìn di vật của Người. Cụ nghẹn ngào nói: "Tôi đang ốm, con cháu không cho tôi đi đâu. Biết mình không còn sống được bao lâu nữa nên tôi trốn con cháu đi viếng Bác lần cuối. Nhìn hình ảnh, hiện vật, tôi lại nhớ những ngày mùa Thu năm 1969. Ngày đó, tôi đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam thì nghe tin Bác mất. Thật không thể tin được đó là sự thật. Cả ngày 2-9, tôi và các đồng đội không thiết ăn uống gì, nhưng rồi nghĩ tới lời chúc Tết cuối cùng của Người "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sỹ, đồng bào" chúng tôi lại vững ý chí, chắc tay súng với niềm tin tất thắng".

 

Đến với triển lãm, các sinh viên K39, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vừa xem những thước phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khóc. Nguyễn Thị Nhung, Khoa Thư viện nói: "Chúng em đã tham quan Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều lần. Mỗi lần vào với Bác là một lần dâng trào cảm xúc. Nhìn hình ảnh Bác tặng quà cho thiếu nhi, thăm đồng, trồng cây... em thấy Người gần gũi như ông nội mình vậy. Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để có thể đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước, xứng đáng với niềm hy vọng Bác gửi vào thanh niên Việt Nam". Dưới bức ảnh "Tuyên dương Hạ sĩ Phạm Công Hoan đã dũng cảm bắt cướp", cô giáo Lê Thị Hân giảng giải cho đoàn học sinh người dân tộc Mường của Trường THCS Khánh Thượng (Ba Vì) về truyền thống bộ đội Cụ Hồ. Cô nói: "Các em phải luôn cố gắng sống, học tập theo 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành những người con ngoan, trò giỏi"...

 

Không thể kể hết tấm lòng kính yêu của người dân Việt Nam đối với Bác kính yêu. Chỉ biết rằng, mỗi người Việt Nam ta, dù làm công việc gì, ngành nghề nào, thì mỗi khi nhớ Bác như thấy lòng lại trong sáng hơn, muốn sống, học tập và cống hiến, góp phần xây dựng nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như ước nguyện của Người. Bởi thế, mỗi chúng ta hãy cụ thể hóa lời dạy của Người bằng những hành động, việc làm thiết thực.