Khi đột ngột qua đời ở tuổi 53 (16-8-2008), nhà thơ Trần Hòa Bình vẫn đang là giảng viên của Học viện Báo chí - Tuyên truyền, đồng thời kiêm chức Thư ký tòa soạn tạp chí Trí Tuệ (Hội Khuyến học Việt Nam). Anh mất trong một chuyến đi xa Hà Nội cùng đoàn làm phim.
Vừa qua, gia đình và bạn bè đã có buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày Trần Hòa Bình mãi mãi đi xa. Nhiều kỷ niệm được gợi nhắc và cuốn sách "Tuyển tập tác phẩm" của Trần Hòa Bình cũng chính thức được ra mắt, như một cách nhớ tác giả bài thơ "Thêm một" và ít nhất 149 bài thơ khác (sách do NXB Hội Nhà văn phát hành vào quý III-2009).
Trần Hòa Bình nổi tiếng, được nhiều người nhớ đến với bài thơ "Thêm một". Bài thơ ấy được viết năm 1985, khi đó, anh đang dạy học ở Trường Đại học Sư phạm II ở Xuân Hòa. Khởi nguồn bởi chiếc lá vàng rơi xuống chạm đúng vào đầu, mà trái tim thi sĩ đã rung lên, với 2 câu thơ đầu tiên: "Thêm một chiếc lá rụng/Thế là thành mùa thu…". Bài thơ đã hoàn thành rất nhanh, chỉ trong vài chục phút và sau đó ít lâu đã được nhiều người thích, chép trong nhiều cuốn sổ tay, xuất hiện trong các tập thơ tình.
150 bài thơ trong "Tuyển tập" đủ vẽ nên một chân dung tinh thần của Trần Hòa Bình trong thơ. Anh đến với thơ từ năm 1970 với 2 bài thơ "Lúa" và "Hương lúa". Bài thơ "Khau Vai" viết năm 2007 (hoàn thành 2008) bất ngờ trở thành bài thơ cuối cùng của Trần Hòa Bình. Tuy vậy, ít người biết, sinh thời anh chưa làm cho mình một tập thơ riêng. Đó là điều khác biệt của Trần Hòa Bình với hầu hết các bạn thơ. Khi có dịp ngồi cà phê hay uống rượu ở quán Xưa với anh, tôi (cũng như nhiều bạn bè anh) thường hối thúc anh ra tập thơ "đầu tay". Lần nào cũng thấy Trần Hòa Bình cười cười bảo: "Thôi, ngại lắm. Chọn được một tập thơ cho thật ra thơ mất thời gian lắm. Nhưng rồi in xong, lại đi tặng cho hết, còn… mất thời gian hơn".
Một lần khác, Trần Hòa Bình chia sẻ với tôi rằng: Anh e ngại cách ra thơ ào ào của các nhà thơ, anh không thích cách "đối xử" với thơ của nhiều người. In thơ thì dễ, nhưng anh sợ làm phiền tới những người bị bắt phải đọc, anh sợ những tập thơ sẽ nằm phủ bụi trong một góc khuất nào đó. Vậy nên, người yêu thích thơ anh chỉ có thể gặp "Trần Hòa Bình thơ" trên những tập sách nhiều tác giả, qua mấy trang báo văn nghệ, có khi ở một tờ báo đồng rừng xa hút.
Nhưng Trần Hòa Bình không chỉ có thơ. Những di sản tinh thần mà anh để lại đã được những người thân trong gia đình và 3 người bạn, đứng đầu là PGS-TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam - tuyển chọn công phu, xếp vào 6 phần: Thơ, Thơ văn cho thiếu nhi, Phê bình - Tiểu luận, Một số tác phẩm báo chí, Một số tác phẩm mỹ thuật, Trần Hòa Bình trong cái nhìn và tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp. Ngoài ra, phần danh mục tác phẩm được biên soạn cẩn thận, giúp độc giả biết rõ tác phẩm đã công bố ở đâu, thời điểm nào.
"Tuyển tập" sắp xếp khá khoa học đã giới thiệu được đầy đủ chân dung tinh thần của thi sĩ tài hoa lớn lên từ vùng đất Cổ Đô, Ba Vì (Hà Nội). Và bởi thế, cầm cuốn sách trên tay, người đọc có thể cảm nhận sức lao động miệt mài, nghiêm túc của một thầy giáo, nhà thơ, nhà báo và hơn hết là một người đàn ông "một mình gà trống nuôi con". Cái sự tài hoa ấy, sinh thời anh vẫn đùa, bảo còn "thiếu" mấy bài hát nữa là "đủ bộ". Nhưng bấy nhiêu thôi, thì trời đã cho anh những nét tài hoa mà nhiều người không có. Bấy nhiêu thôi, đã khiến cho anh trở thành người đàn ông đào hoa có tiếng. Trong cuốn sách này, sự đào hoa ấy không có phần riêng biệt, nó lẩn khuất qua những bài thơ tình nhiều khi rất buồn của anh, hay thoang thoáng trong nhiều tâm sự qua các bài phỏng vấn được in ở phần cuối của cuốn sách.