Tìm lại nguyên gốc kỹ thuật làm tranh Đông Hồ truyền thống

15:47, 06/09/2009

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - người thực hiện đề án “ Bảo tồn và phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ'', hiện nay ông đã nghiên cứu tìm lại được nguyên gốc kỹ thuật làm tranh dân gian truyền thống.

 

Kỹ thuật làm tranh này dựa hoàn toàn vào các màu tự nhiên từ cây cỏ, hoa lá, tuyệt đối không thể dùng nguyên liệu hóa chất, giấy do các nhà máy công nghiệp sản xuất.

 

Ông lý giải theo truyền thuyết về nghề làm tranh, ngày xưa ở khu bãi Đông Hồ có một khu đồng tên là Mả Mực. Tại đây, dân làng đã đốt lá tre lấy than làm mực (cho màu đen), hoa hòe sao vàng ninh lấy nước (cho màu vàng) lá Chàm (cho màu xanh), sỏi son (cho màu đỏ), trai điệp mua từ vùng ven biển, giấy dó lấy từ vỏ cây dó mua tại làng Đống Cao (huyện Yên Phong)...

 

Với những chất liệu này tranh Đông Hồ mới bền, đẹp, mặt phẳng gần như tuyệt đối, mang được những đặc tính quí báu vốn có của dòng tranh dân gian nổi tiếng có một không hai ở Việt Nam.

 

Từ việc nghiên cứu, thực nghiệm có kết quả, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, thôn Đông Hồ, xã Song Hồ, huyên Thuận Thành (Bắc Ninh) đã duy trì phát triển được hai phương pháp làm tranh hoàn toàn truyền thống.

 

Ông đã sản xuất được nhiều loại “Tranh tập", “Tranh bộ", "Bưu thiếp", "sổ tay"; lịch 1 tờ, 7 tờ, lịch để bàn trên nền phông mành trúc thật đẹp, đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, được đông đảo công chúng, các nhà hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật đánh giá cao.