Tìm thấy 4 bản mộc cổ, tượng đá ở Hà Tĩnh

08:26, 11/09/2009

Ngày 7/9, một nhóm nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã tìm thấy 4 mộc bản khắc chữ Hán còn nguyên vẹn và một bức tượng bằng đá nguyên khối tại nhà thờ họ Lê ở xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ.

 

Bốn bản mộc gỗ có kích thước rộng 18cm, dài 25cm và dày 2cm. Mỗi mộc bản được chia 4 phần bằng nhau, cả hai mặt đều được khắc nổi chữ Hán.

 

Bức tượng bằng đá màu nâu xám được làm bằng đá nguyên khối với chiều cao 40cm, đế rộng 22cm, đỉnh tượng rộng 7cm. Tượng đặc tả lại hình thể người phụ nữ lưng hơi còng, đầu hơi cúi, thần thái bức tượng toát lên vẻ ưu tư trầm mặc.

 

Trao đổi qua điện thoại với Vietnam+, ông Trần Hồng Dần, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, cho biết hiện vẫn chưa xác định được xuất xứ, niên đại, phong cách nghệ thuật của bức tượng nói trên. Bốn bản mộc cổ cũng chưa xác định rõ nguồn gốc và chưa được giải nghĩa.

 

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm về nghiên cứu khảo cổ cũng như so sánh, đối chiếu với trên 400 bản khắc gỗ hiện đang được lưu giữ tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy Tự ở Hà Tĩnh, ông Dần nhận định 4 bản mộc cổ này có thể thuộc thế kỷ thứ 18.

 

Trước đó, 15 giếng cổ thời Champa hầu như vẫn còn nguyên vẹn đã được phát hiện trong khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khảo sát nghiên cứu về hệ thống “Di sản văn hóa miền Trung” tại các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.

 

Những giếng này có hình vuông hoặc tròn, hiện đã được người dân cải tạo phần thành giếng nhưng phần đáy giếng vẫn được bảo lưu nguyên bản. Điều đặc biệt của giếng cổ Champa là chỉ sâu từ 2 - 5m nhưng không bao giờ khô cạn, kể cả những năm hạn hán.

 

Ông Hồ Bách Khoa, Phó phòng quản lý di sản thuộc (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) cho biết sắp tới Sở sẽ tiến hành khảo sát trên diện rộng và chọn một số giếng điển hình để nghiên cứu, xác định niên đại, tìm hiểu kết cấu xây dựng giếng cũng như bí quyết làm giếng cổ của người xưa.