Đời sống nhân dân có nhiều cải thiện, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, các hộ dân gần gũi nhau hơn mỗi khi "tối lửa tắt đèn"… đó là hiệu quả từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được triển khai trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay.
Ngay sau khi phong trào được triển khai (1989), từ cấp tỉnh đến cơ sở đã thành lập Ban Chỉ đạo và hoạt động khá hiệu quả. Cùng với việc thường xuyên kiện toàn các thành viên Ban Chỉ đạo để đảm bảo công tác điều hành, chỉ đạo, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để triển khai phong trào trên diện rộng. Một số huyện như: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phổ Yên… đã xây dựng đề án, đưa nội dung phong trào vào nghị quyết xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Các ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa trong thực hiện phong trào thông qua các hoạt động do ngành chủ trì, như: Ngành Lao động- TB&XH thực hiện phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; ngành Công an tích cực xây dựng điểm sáng văn hóa ngành, lồng ghép các chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy; ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, tổ dân phố văn hóa và phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại… đã góp phần tạo nên thành công của phong trào.
Phong trào đã thực sự đi vào lòng dân nhờ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia được thực hiện thường xuyên thông qua các cuộc họp xóm, tổ dân phố, hệ thống panô, áp phích, các chương trình thông tin lưu động… Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật, biên tập xuất bản gần 6 nghìn cuốn sách viết về phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, tổ dân phố văn hóa, gương điển hình tiên tiến. Báo Thái Nguyên, Đài PT-TH tỉnh mở chuyên mục “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đài truyền thanh các huyện, thành, thị, bản tin của các ngành thường xuyên tuyên truyền những gương tập thể, cá nhân điển hình, cách làm hay của cơ sở trong phong trào này… từ đó đã có tác động tích cực đến từng người dân, từng cộng đồng, tạo ra không khí thi đua sôi nổi ở khu dân cư.
Sau gần 20 năm thực hiện phong trào đã nổi lên một số mô hình, làng văn hóa tiêu biểu như: huyện Phú Bình có xóm Việt Ninh (Lương Phú), xóm Vàng (Tân Đức); huyện Phú Lương có xóm Bản Cái, làng Thâm Đông (Ôn Lương), Làng Cọ 2 (Phấn Mễ); huyện Định Hóa có xóm Mấu, xóm Đình (Phượng Tiến); T.P Thái Nguyên có xóm Y Na (Tân Cương), xóm Thanh Phong (xã Phúc Trìu)… Nếu như năm 1999, toàn tỉnh có 487 làng, khu phố đạt khu dân cư tiên tiến thì đến hết năm 2008 số khu dân cư tiên tiến đã tăng lên 1.595/3.024 khu dân cư (chiếm 52,7%); có 2.994/3.024 khu dân cư tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân (18/11) với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia; vận động hỗ trợ xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, hỗ trợ sửa chữa nhà cho các gia đình dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được 8.854 nhà, trị giá trên 30 tỷ đồng; trên 300 nhà văn hóa được nâng cấp, sửa chữa; xây dựng, sửa chữa 225 sân bóng đá, 699 sân cầu lông; tu sửa sân trường cho trên 450 trường tiểu học, THCS, THPT… Thông qua phong trào, toàn tỉnh đã thành lập được 302 câu lạc bộ thể dục - thể thao, trên 600 câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật, 214 câu lạc bộ về phát triển kinh tế, 357 câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba, 113 câu lạc bộ dân số-kế hoạch hóa gia đình.
Từ kết quả phong trào đã phát huy giá trị truyền thống của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng dân cư tạo sự hòa thuận, đoàn kết xóm làng, giúp nhau vượt nghèo, làm giàu chính đáng. Có thể khẳng định qua hơn 20 năm thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, phong trào đã thực sự trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Qua thực hiện phong trào góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức, trách nhiệm trong thực hiện quy ước, hương ước của làng, bản, gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh, các nguyên tắc tập trung dân chủ ở cơ sở, chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…