Không phải là cổ tích

08:03, 01/10/2009

Triệu Long Tài rót mời tôi chén rượu ngô nấu bằng men lá... Trong chếnh choáng hơi men, tôi thấy ông - một sơn điền vạm vỡ, kiên trì, thông minh... Hơn thế nữa, ông là người dân tộc Dao Ô Gang đầu tiên ở bản Ba Nhất, xã Phú Thượng Võ Nhai làm được ngôi nhà sàn đẹp như trong tranh...

 

Từ hơn chục năm nay, ở nhiều bản làng vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, có không ít gia đình vùng cao đã bán nhà sàn lấy tiền mua gạch, xi măng... xây nhà. Có người còn bán cả ngôi nhà sàn cột vuông vức làm bằng độc loại gỗ đinh, nghiến mà không cần ngẫm lại xem cha ông mình đã phải mất mấy đời leo núi tìm cây, thả mình bên vách đá để đốt gốc, rồi làm giàn, giết trâu nuôi thợ xẻ... Nhưng, Triệu Long Tài, người bản Ba Nhất, xã Phú Thượng (Võ Nhai) nghĩ khác, ông đã quyết tâm làm được cho gia đình mình một ngôi nhà sàn 3 gian, 2 chái, có 8 hàng chân với 56 cây cột vuông, mái lợp ngói đỏ, nền lát gạch nung, các đường mộng con kiến chui không lọt. Trong nhà có ti vi, giàn đía hát karaoke, tủ lạnh, bàn ghế salon đệm mềm và nhiều tiện nghi đắt tiền khác.

 

Ông tâm sự: Mình là người dân tộc thiểu số, mình làm nhà sàn cốt để giữ lấy cái hốn của bản làng vùng cao... Triệu Long Tài sinh năm 1958, ông đi bộ đội lúc 21 tuổi. Khi đó vợ ông-bà Triệu Thị Thách đang mang bầu đứa con thứ 3. Ông khề khà bảo: 4 năm đi bộ đội, mình học được nhiều thứ. Chỉ tiếc ngày còn nhỏ, theo thấy lấy được cái chữ đến lớp 2 đã ngán không học được... Triệu Long Tài nói chuyện dí dỏm, thông minh lắm. Chẳng thế, trong cái bản xa lắc lơ, quanh năm hun hút tiếng gió rừng, Triệu Long Tài đã biết san các khu đất thuận nguồn nước làm ruộng cấy lúa, chỗ đất cao cải tạo trồng ngô. Bấm đốt tay, ông bảo: Không nhiều lắm, mỗi năm chỉ được 4,5 tấn thóc, hơn 10 tấn ngô và nuôi thêm đàn lợn bán được khoảng hơn 3 tấn/năm.

 

Trong bản, mọi người đều làm nhà đất, vừa nhàn, vừa nhanh mà không tốn nhiều tiền. Trước đây, Triệu Long Tài cũng làm một cái nhà như vậy, nhưng lúa, ngô thu hoạch về, nhiều khi gặp mưa không có chỗ để, nên ông suy nghĩ rất nhiều. Rồi, một lần xem ti vi, ông thấy ở miền xuôi nông dân xây nhà 2 tầng; trên các tỉnh miền núi phía Bắc bà con làm nhà sàn... vừa tiện sinh hoạt lại có nhiều chỗ để lương thực sau thu hoạch. Vậy là ông nảy ra ý định làm một ngôi nhà sàn lớn, có thể trải được vài chục chiếu cỗ khi có việc. Một thuận lợi đến với ông. Năm 1996, Nhà nước có chủ trương giao khoán rừng cho nhân dân quản lý bảo vệ, ông nhận liền năm chục héc ta. Sau đó, ông nhận thêm mười héc ta đất trống, núi trọc để trồng rừng. Khi nông vụ thư nhàn, ông xách dao quắm đi tuần rừng, đồng thời chọn cây Gội, cây Dẻ... bập dao vào gốc, đánh dấu và bắt đầu định hình về một ngôi nhà sàn vừa hiện đại, lại mang nét cổ kính, phù hợp với vùng cao. Ông bảo: Việc mình lấy cây trên rừng về làm nhà đều đã có sự đồng ý của chính quyền địa phương. Nhất là khi mình nói chuyện làm nhà sàn thì mọi người càng ủng hộ.

 

Ngay lúc cây còn đứng trên rừng, ông đã định hình được cây nào dùng làm cột, cây nào làm xỏ, xiên và cây nào xẻ làm ván bưng. Ông cho biết thêm: Phải mất mười năm chọn cây, thêm gần 3 năm nữa nhờ người hạ cây, xẻ gỗ, rồi khiêng, kéo gỗ mang về chuẩn bị làm nhà. Mà cây nào cũng ở rìa núi bên kia, to bằng cả người ôm, đành bật mực xẻ luôn tại chỗ. Với cây cột vuông dài 7,5 m phải  mất 12 người khiêng đòn, 3 người đứng trên đỉnh dốc núi Tam Tấu kéo dây ; cây dài 6,5 m mất 10 người khiêng, 3 người kéo... Người khiêng, người kéo phải ăn nhịp, nếu không tai nạn sẽ xảy ra... Bà Triệu Thị Thách mới đi làm đồng về, nghe chuyện chồng kể cũng ùa vào, góp lời: Huầy, vất vả lắm, toàn nhờ anh em trong bản cùng làm, thế mà mổ hết 7 con lợn nặng 100 cân, rượu thì nhiều như nước suối, không nhớ nữa. 

 

Năm 2007, ông Triệu Long Tài bán được 10 ha rừng trồng. Do đất kém, chưa có kinh nghiệm chăm sóc, lại trồng dày cây nên sản lượng gỗ đạt thấp, mất gần 100 triệu đồng chi phí cho thuê người khai thác, làm đường chuyển gỗ, còn đút túi được hơn 70 triệu đồng. Có tiền, vợ chồng ông quyết định tìm thợ làm nhà sàn. Kén mãi, sau cùng cũng chọn được cánh thợ người Hà Nam, gồm 8 người. Hôm đó, sau bữa rượu, ông thợ cả hỏi nhà làm kiểu nào, thiết kế đâu? Triệu Long Tài gãi đầu, bảo: Mình đâu có nhiều chữ để vè vời, mày cứ làm cho cái nhà vừa hiện đại như nhà xây của người Kinh, nhưng lại giống cái nhà sàn của người Tày, vì người Dao Ô Gang mình trước nay có làm nhà sàn đâu.

 

Bảo thế, nhưng Triệu Long Tài vừa nói ý tưởng, vừa dùng que vạch xuống đất. Nói mất một ngày về kiểu nhà thì mấy ông thợ người Hà Nam mới vỗ đùi cái bốp, bảo: Hiểu rồi, cha này ở rừng mà nghĩ được cái nhà sàn đẹp hơn của "đại gia" ở thành phố. Mấy hôm sau, đúng ngày hoàng đạo, vào giờ lành, Triệu Long Tài cho phạt mộc. Vừa làm, ông vừa kê chỉnh thêm cho hoàn thiện. Ông bảo: Các cụ dạy: Làm nhà thì tốn là vì thế. Động vào đâu cũng thấy phát sinh, cũng thấy cần phải cố. Những hôm dựng cột, lao xà, bưng ván...  phải đi huy động bà con trong bản đến giúp. Chí chát từ giữa năm 2007 đến giữa năm 2008, cả mấy đống gỗ chất cao ngất mới thành nhà. Hôm liên hoan vào nhà mới, cánh thợ Hà Nam uống rượu ực, khà... bảo: Cái nhà sàn của Triệu Long Tài, tổng đầu tư chắc cũng đáng bạc tỉ lắm.

 

Triệu Long Tài rót mời tôi chén rượu ngô nấu bằng men lá... Trong chếnh choáng hơi men, tôi thấy ông- một sơn điền vạm vỡ, kiên trì, thông minh... Hơn thế nữa, ông là người dân tộc Dao Ô Gang đầu tiên ở bản Ba Nhất, xã Phú Thượng Võ Nhai làm được ngôi nhà sàn đẹp như trong tranh...