Ký ức trăng vàng

14:39, 01/10/2009

Chiều muộn, tiếng chuông điện thoại trong túi đổ dồn, tôi bắt mắt mà chẳng kịp nhìn xem ai đang gọi, đầu giây bên kia giọng mẹ dịu dàng nhắc: Mai đón Ti Ti ở lớp rồi đưa về nhà để xem ông ngoại  làm đèn ông sao đón rằm Trung thu.

 

Thoáng chút ngỡ ngàng, lời nhắc nhở của mẹ đưa tôi đưa tôi về ký ức dịu dàng của những mùa Trung thu thơ dại. Như hiện hữu đâu đây không khí náo của đêm rằm tháng Tám, của những câu chuyện cổ tích về chị Hằng về chú Cuội len lỏi trong những giấc mơ tôi. Mỗi mùa Trung thu đến là một dịp đặc biệt đáng nhớ

 

Tết Trung thu ngày ấy đa phần các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi cho trẻ con. Trung thu năm nào bố tôi cũng "phụ trách" việc làm đồ chơi cho ba anh em, còn mẹ tất bật cho mâm cỗ cúng trăng rằm. Từ trong năm bố đã để dành tre, giấy bóng làm đèn ông sao. Tôi thích nhất là những buổi chiều tung tăng bên cạnh bố xem ông làm đèn, chốc chốc lại chờ ông sai cắt giấy hay cầm những mẩu dây đồng con con để buộc các cánh sao. Bố tôi làm đèn ông sao rất khéo, nhưng không bao giờ làm để bán mà chỉ làm cho chúng tôi rước vào đêm rằm. Còn mẹ tôi trước rằm cả nửa tháng đã đánh tiếng tìm người mua hồng để về nhà xâm kim ngâm vào nước cho hết chát. Lũ trẻ chúng tôi thì phân công nhau nhặt hạt bưởi, đem về bóc vỏ phơi khô xâu vào dây thép đợi đến hôm rằm đem ra đốt.

 

Chờ đợi mãi rồi đêm rằm cũng đến, ăn cơm xong mẹ tôi chuẩn bị bày cỗ cúng trăng. Mâm cỗ Trung thu của mẹ thông thường có trọng tâm là con chó  làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con bép múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến.

 

Khi mẹ dở tay bày cỗ thì bên ngoài đám múa lân đã cất tiếng hát đã giục giã:  Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình/Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh/Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng/Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang… ba anh em tôi vội vàng cầm đèn xin mẹ theo chúng bạn nối vào cái đuôi dài của đám múa lân ra ngõ. Đám múa vừa đi vừa múa, hát, rước đèn và đốt những xâu hạt bưởi từ đầu làng đến cuối làng. Tới trước của nhà nào trong làng thì dừng lại một chút, múa lân biểu diễn, thường thì sau vài động tác múa ấy, các bà, các chị lại đem bánh kẹo và hoa quả ra chia cho đám rước gọi là phát lộc. Đi hết đường làng cả đám rước tập trung ở sân kho hợp tác cũng là lúc trăng đã lên cao, chúng tôi quây quần trông trăng và nghe sự tích chị Hằng chú Cuội. Khi trăng tròn vành vạch treo giữa bầu trời các gia đình trong làng cúng trăng xong và đem mâm cỗ của nhà mình lên sân kho góp vui, lúc ấy chúng tôi mới phá cỗ đêm rằm.

 

Những mùa Trung thu náo nức như thế đã cùng tôi lớn lên, theo tôi suốt những tháng năm tuổi thơ, đề cho đến tận bây giờ, trong tôi vẫn nguyên vẹn những đêm trăng huyền thoại.