Triển lãm Hà Nội xưa và nay

09:44, 12/10/2009

Những tấm ảnh lịch sử đen trắng vô giá trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam và những nhà nghiên cứu sử, nghiên cứu kiến trúc, những du khách đã từng biết đến Hà Nội xưa

 

Người Hà Nội xưa, thời trang xưa, kiến trúc xưa, mái ngói vẩy cá lô xô trên những mái nhà nhỏ lúp xúp. Phố xưa, lối xưa, đền Ngọc Sơn đang thi công, khu lăng nhà văn Hoàng Cao Khải nay là khu phố Thái Hà, ga Hàng Cỏ khi chưa bị máy bay Mỹ đánh bom…. Đó là những hình ảnh Hà Nội xưa được trưng bày tại nhà triển lãm 92 Lê Thánh Tôn – Q1 – TP Hồ Chí Minh. Triển lãm “Hà Nội xưa” là hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, được khai mạc sáng 10/10/2009.

 

Triển lãm gồm 150 bức ảnh tư liệu về Hà Nội, trưng bày theo 3 mảng đề tài chính là: Hà Nội truyền thống của người Việt, Dấu vết xưa còn tồn tại dưới thời Pháp thuộc và Kiến trúc mới của người Pháp và những sinh hoạt văn hóa mới thời thuộc địa.

 

Đây được xem là bộ sưu tập khá đầy đủ về Hà Nội được khai thác từ nhiều nguồn trong nước và nước ngoài. Đó là những hình ảnh về Tháp Rùa; Cổng thành phía Đông Hà Nội còn được nhìn thấy năm 1889; Khuê Văn Các trong Văn Miếu; Thành cổ Hà Nội, các đồn binh của quân đội Pháp thời Pháp thuộc; Ga Hàng Cỏ...

 

Đến dự khai mạc triển lãm có rất nhiều người Hà Nội sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Bác Võ Thị Sánh, một người Sài Gòn đã từng sống ở Hà Nội trên 20 năm nên rất nhớ Hà Nội, nói: “Hồi đi học ở Hà Nội, tôi đã từng đứng đợi tàu điện ở cái tháp Hòa Phong này. Tôi ước có cửa hàng sách nào bán những bức ảnh xưa về Hà Nội thì tôi sẽ mua một bức ảnh tháp Hòa Phong mang về”.

 

Chị Trương Anh Tú – giám đốc Công ty Hải Vương đứng trước bức ảnh hai cô gái mặc yếm trắng, nói: “Gái Hà Nội xưa mặc yếm giản dị mà đẹp chưa kìa! Bức ảnh phố Hàng Đào ngày xưa y trang trong trí nhớ của tôi đã từng sống ở ngày phố này bé với gia đình”. Ông Trịnh Quang Dũng ở Viện Khoa học công nghệ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh nói: “Lăng mộ của Hoàng Cao Khải nằm ở khu vực ấp Thái Hà cũ, giờ thuộc quận Đống Đa nay không còn nữa, tấm hình này rất có ích cho những nhà nghiên cứu lịch sử”. 

 

Cho đến trưa mà nhiều người Hà Nội lớn tuổi vẫn lưu luyến không muốn rời khỏi phòng triển lãm. Một đại biểu “đánh liều” hỏi ông Nguyễn Hạnh – Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa và nay: “Tôi mê bức ảnh đền Ngọc Sơn quá, làm thế nào tôi có được nó mang về ?”

 

Ông Hạnh đưa khách đến bên một chiếc máy in khổ lớn của HP đã chờ sẵn tại một góc trong nhà triển lãm, chỉ vài phút sau, vị khách đó đã có tấm ảnh khổ 1,10m x 0,80m trong tay. Lập tức đã có nhiều người xếp hàng chờ đến lượt mình để được mang hình ảnh Văn miếu, chùa Diên Hựu, chợ Đồng Xuân, phố Hàng Khoai, tàu điện chạy ở Bờ Hồ, phố Rue Paul Bert (Tràng Tiền), cổng Ô Quan Chưởng… của  Hà Nội xưa mang về nhà. Trong số người chờ lấy ảnh về có nhà văn Hoàng Nghĩa, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Viết Ngạc, bà Nguyễn Thị Nguyệt, cán bộ hưu trí và các nhà báo.

 

Bà Trương Anh Tú nói: “Đêm qua không nhớ nằm mơ thấy gì mà đi dự triển lãm Hà Nội xưa được tặng món quà giá trị quá, chẳng có gì so sánh được”. Bà Hà, một Việt kiều ở Mỹ, trong chiếc áo dài màu tím cầm bức ảnh có cảnh những người họp chợ mặc áo tứ thân đội nón quai thao mà nước mắt lưng tròng, chỉ biết lặng lẽ bắt tay nhà tổ chức thay lời cám ơn.

 

Thực tế, có nhiều người sống ở hải ngoại muốn có những hình ảnh Hà Nội xưa, hình ảnh lịch sử Việt Nam mang về để cho gia đình và con cháu biết, nhưng chỉ mua được những tấm nhỏ in trong bưu thiếp. Tạp chí Xưa và nay như cái kho tàng lưu giữ hình ảnh lịch sử nên cùng công ty HP tạo nên dịch vụ phóng ảnh lớn đáp ứng cho những ai có nhu cầu thì rất có ý nghĩa.

 

Anh Vũ Ngọc Vượng, chủ 4 quán phở gia truyền Nam Định ở Hà Nội, đã có lần nhăn nhó nói: “Tôi muốn có một tấm ảnh gánh phở thời cổ và ảnh cảnh Hà Nội thời cổ như Hàng Đào, phố Bát Sứ, phố Bát Đàn, phố Hàng Nón, Hàng Mắm, Hàng Buồm, chợ hoa, phóng thật to để treo trong mấy nhà hàng mà kiếm hoài không đâu có”.

 

Ông Phan Bảo Dân, đại diện công ty HP và ông Nguyễn Hạnh cho biết, mỗi lần tổ chức triển lãm hình ảnh lịch sử cũng có một số người xin hình ảnh về, nhưng vì Ban tổ chức không có dịch vụ này nên không quảng bá. Từ nay sẵn sàng đáp ứng hình ảnh lịch sử đủ các cỡ cho bất cứ ai, xin cứ gọi đến tạp chí Xưa và nay, số 181 Đề Thám – Q1 – TP Hồ Chí Minh, điện thoại 08 38 385 117.

 

Không chỉ những Việt kiều mà rất nhiều người sống trong nước cũng rất muốn có những hình ảnh xưa khổ lớn để lưu giữ kỷ niệm một thời đã qua, cũng rất nhiều người kinh doanh ngành ẩm thực muốn có bức ảnh lớn có giá trị bản sắc kiến trúc, dấu ấn thời gian, văn hóa sống, được coi là một tác phẩm nghệ thuật giá trị để treo trong nhà hàng của mình, trong phòng khách cơ quan, trong tư gia.v.v…. Một nhu cầu thiết thực đang bỏ trống nay đã được tạp chí Xưa và Nay và công ty HP đáp ứng.

 

Những tấm ảnh lịch sử đen trắng vô giá trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam và những nhà nghiên cứu sử, nghiên cứu kiến trúc, những du khách đã từng biết đến Hà Nội xưa. Còn rất nhiều hình ảnh về Hà Nội xưa chưa được trưng bày trong cuộc triển lãm kỷ niệm 999 năm Hà Nội, hy vọng vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, những người yêu mến Hà Nội sẽ được thăm lại những cảnh quan và con người qua từng thời kỳ lịch sử.

 

Các bức ảnh sẽ tiếp tục được trưng bày tại các thành phố lớn khác như Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng và dừng chân tại Hà Nội vào tháng 2/2010.