UNESCO có Tổng Giám đốc mới

14:49, 16/10/2009

Với kết quả bỏ phiếu chiều 15/10 tại Phiên họp lần thứ 35 của Đại hội đồng UNESCO là 166/193 phiếu, bà Irina Bokova, người Bulgaria chính thức được chọn là Tổng Giám đốc mới của UNESCO

 

Bà Irina Bokova năm nay 57 tuổi, đang là Đại sứ Bulgaria tại Pháp kiêm Đại sứ bên cạnh UNESCO. Trước đó ngày 22/9, bà Irina Bokova đã được Hội đồng chấp hành UNESCO (gồm 58 thành viên) bầu chọn là người sẽ lãnh đạo UNESCO. Như vậy, với kết quả bầu chọn lần này tại Đại hội đồng UNESCO, bà Irina Bokova là phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc UNESCO, nhiệm kỳ 2009-2013.

 

Việc lần đầu tiên một phụ nữ lãnh đạo tổ chức UNESCO cũng cho thấy, vấn đề thúc đẩy giáo dục trên thế giới, đặc biệt cho trẻ em gái và phụ nữ, sẽ càng được quan tâm nhiều hơn. Là người biết khá nhiều ngoại ngữ, ngoài tiếng mẹ đẻ, bà Irina Bokova còn sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha. Đây là một thế mạnh để bà Irina Bokova có thể hoàn thành tốt cương vị Tổng Giám đốc UNESCO. “Tôi tin rằng, trong nhiệm kỳ sắp tới trên cương vị Tổng giám đốc UNESCO, chúng ta sẽ tập hợp được sức mạnh của các quốc gia thành viên xung quanh tổ chức UNESCO để tạo nên một thế mạnh mới cho tổ chức này, nhằm hoàn thành những mục tiêu của UNESCO một cách hiệu quả nhất, tạo nên một thế giới với sự công bằng và khoan dung, với những cơ hội đến với mọi người, một thế giới ổn định, thịnh vượng, và tôn trọng sự đa dạng văn hóa”, bà Irina Bokova nhấn mạnh.

 

Bà Irina Bokova cũng cho biết, trên cương vị là người đứng đầu UNESCO, bà sẽ nỗ lực để tổ chức này đóng vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm phán quốc tế về thay đổi khí hậu toàn cầu và các vấn đề thế giới khác.

 

UNESCO là cơ quan trực thuộc lớn của Liên Hợp Quốc, với các hoạt động trên các lĩnh vực: thúc đẩy trao đổi, giao lưu, hợp tác quốc tế về giáo dục, khoa học, văn hoá, thông tin... UNESCO hiện có 193 quốc gia thành viên và 7 thành viên liên kết. Trụ sở chính của UNESCO đặt tại Paris (Pháp), cùng với hơn 50 văn phòng và trung tâm trực thuộc ở nhiều nơi trên thế giới.

64 năm qua, kể từ khi được thành lập năm 1945, UNESCO đã có nhiều hoạt động trong việc thúc đẩy hợp tác văn hóa, khoa học, giáo dục trên thế giới, góp phần vào việc tạo nên sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng trên thế giới. Bên cạnh đó, UNESCO còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ các nước kém phát triển và đang phát triển trong lĩnh vực giáo dục, phát triển bền vững, bảo vệ và phát huy di sản, xóa đói giảm nghèo...