Gốm Phù Lãng với màu men da lươn đặc trưng biến hoá tuyệt đẹp trong những bức tranh gốm và những sản phẩm gốm nghệ thuật có một không hai.
Cùng với Bát Tràng, Phù Lãng là một trong 2 trung tâm gốm cổ đang tồn tại và phát triển ở phía Bắc Việt
Chum, vại, lọ, bình... với màu men nâu rắn rỏi có mặt ở mọi ngóc ngách. Đâu đó người ta còn bắt gặp những ngôi nhà dùng những mảnh gốm làm hàng rào. Điểm nổi bật nhất của gốm Phù Lãng là dùng kỹ thuật đắp nổi theo hình thức chạm kép với màu men tự nhiên được làm từ loại đất sét có màu hồng nhạt đặc trưng của vùng đất ven sông Hồng.
Sản phẩm gốm của Phù Lãng rất đa dạng nhưng nổi bật vẫn là dòng gốm nghệ thuật với những chiếc bình được chạm khắc tinh tế và những bức tranh được làm từ gốm không thể gặp ở bất cứ đâu. Các nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Phù Lãng như Vũ Hữu Nhung (gốm Nhung), Nguyễn Minh Ngọc (gốm Ngọc) đã kết hợp với nghệ thuật tạo hình, hoa văn để tạo nên những sản phẩm gốm nghệ thuật độc đáo.
Khá ấn tượng khi đến với xưởng gốm Nhung tại Làng Phù Lãng với những lò nung và xưởng sản xuất rộng hàng ngàn m2. Không chỉ tạo hàng ngàn sản phẩm gốm độc đáo, gốm Nhung còn thực hiện những hợp đồng gia công gốm cho đối tác Nhật Bản.
Chúng tôi được dặn dò rất kỹ: chỉ được xem chứ không được chụp ảnh, do yêu cầu giữ bản quyền mẫu mã từ phía khách hàng.
Anh Vũ Hữu Nhung cho biết xưởng của mình đã gia công gốm cho các đối tác Nhật Bản từ nhiều năm nay. Phần việc của anh là thực hiện theo mẫu mã họ đưa ra và đảm bảo không được đưa những mẫu mã tương tự ra thị trường. Các sản phẩm gốm này rất độc đáo, với những hình thù con giống lạ mắt, nhỏ xíu, đòi hỏi ở nghệ nhân sự tinh tế và đôi tay tài hoa.
Sau khi những con giống bằng gốm được lên khuôn, chúng được đưa qua lò nung và rồi được phủ màu sơn, trang trí tỉ mỉ. Không chỉ có gốm Nhung mà rất nhiều doanh nghiệp làm gốm khác của Việt Nam thực hiện việc gia công các sản phẩm gốm nghệ thuật của nước ngoài, mà sau đó, chúng được bán với giá "cắt cổ" ở thị trường của họ.
Léonard Pascal, Chủ tịch một hiệp hội gốm của Bỉ khi sang VN cách đây hơn 2 năm đã thực sự ngỡ ngàng khi phát hiện ra rất nhiều sản phẩm gốm của các làng nghề vùng châu thổ Sông Hồng được gắn mác gốm Nhật Bản. Ông lấy làm ngạc nhiên khi gốm Việt Nam ít xuất hiện tại các triển lãm lớn trên thế giới, nơi hầu hết các sản phẩm gốm đương đại của Nhật Bản và Trung Quốc thống trị. Léonard Pascal cảm thấy bất bình thay cho gốm Việt bởi chúng được các đối tác nước ngoài đặt sản xuất và sau đó được gắn mác nước họ.
Các nghệ nhân gốm Việt
Léonard Pascal đã có một thời gian tìm hiểu các làng nghề gốm phía Bắc và cũng đã thực hiện nhiều buổi tập huấn cho các nghệ nhân gốm Việt Nam, về sự cần thiết phải có sự liên kết giữa những người làm gốm, những làng sản xuất gốm, xây dựng những thương hiệu gốm "made in Việt Nam" tại thị trường nước ngoài.
Các sản phẩm gốm Việt dù có thể rất đẹp trong mắt người Việt nhưng muốn tiến vào những thị trường khó tính ở nước ngoài thì cần phải bắt được vị, được gu của những thị trường ấy.
Nhận thức được giá trị văn hoá cũng như khả năng thu hút khách du lịch của các làng gốm ven sông Hồng, từ năm 2004 đến nay, Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ, Cơ quan di sản văn hoá vùng Wallonie-Bruxelles, Bảo tàng Hoàng gia Mariemont đã phối hợp với Cục Di sản văn hoá thực hiện dự án Hành trình văn hoá các làng nghề thủ công truyền thống. Hành trình nhằm xác định các địa danh văn hoá của đồng bằng Sông Hồng thông qua các làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Cậy, Thổ Hà, Đông Triều. Dự án nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các làng nghề thủ công, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch văn hóa và kinh tế địa phương.
Các sản phẩm gốm đắp nổi của các nghệ nhân Phù Lãng.