Chí Son xây dựng đời sống văn hoá

09:08, 12/11/2009

Với số dân trên 98% là người dân tộc Sán Dìu, thu nhập chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân xóm Chí Son, xã Nam Hoà (Đồng Hỷ) còn nhiều khó khăn.

 

Xóm có 180 hộ dân với 930 nhân khẩu sinh sống rải rác ven dãy đồi Đồng Ninh, Khiu Son Tềnh. Năm 2008, xóm đã bình xét được 8 hộ thoát nghèo, hiện nay còn 76 hộ nghèo trong đó có 15 hộ nghèo ở nhà dột nát. Từ đầu năm đến nay đã có 7 hộ được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ, phấn đấu hết năm 2010 xóa xong 8 hộ còn lại.

 

Ông Hoàng Văn Hòa, Trưởng xóm Chí Son cho biết: Xóm có 35ha ruộng cấy hai vụ, 10ha cây màu vụ đông nhưng do những chân ruộng ở đây là ruộng bậc thang, đất cằn cỗi nên năng suất cây trồng thấp, lúa chỉ đạt trên 40 tạ/ha. Người dân trong xóm vẫn giữ thói quen canh tác những giống lúa cũ như Khang Dân, U17... Ngoài cây lúa, người dân trong xóm còn trồng vào khoảng 15ha chè, nhưng chủ yếu là chè trung du, cằn cỗi năng suất thấp, chất lượng chưa cao vì thế chỉ bán được 25-30 nghìn đồng/kg. Nhưng thu nhập từ cây chè vẫn trở thành thu nhập chính của người dân nơi đây. Chăn nuôi cũng chưa phát triển, đều ở quy mô nhỏ, phục vụ sinh hoạt gia đình là chính

 

Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng khi chúng tôi tìm hiểu về Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư lại có nhiều điều khiến chúng tôi bất ngờ. Sinh hoạt văn hoá của người dân Chí Son vẫn giữ được nét văn hoá truyền thống mang đậm phong cách riêng của dân tộc Sán Dìu như trang phục thường ngày và trong dịp ngày lễ, hội; trang sức; nhà ở và đặc biệt là phong tục làm bánh nếp để cúng vào ngày Đông chí, Thanh minh… Một nét văn hoá không thể thiếu trong các dịp lễ hội hay khi gia đình có việc vui của người dân tộc Sán Dìu đó là hát soọng cô. Soọng cô được hát bên những bếp lửa ấm cúng hay trong khi lao động sản xuất. Họ hát ứng đối với nhau để bày tỏ tình cảm, chia sẻ niềm vui và để mọi người xích lại gần nhau hơn, tạo cho cuộc sống cộng đồng thêm đầm ấm, gắn bó. Năm 2008, xóm có 120 hộ đạt gia đình văn hoá. Các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cuới hỏi không còn. Nhà văn hoá xóm được xây từ năm 2004 với kinh phí trên 40 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Các khoản đóng góp hàng năm đều được người dân chấp hành đầy đủ và luôn nộp sớm so với thời hạn. Khi có công việc gì đột xuất cần sự quyên góp, vận động ủng hộ giúp đỡ đều được bà con hưởng ứng nhiệt tình, người có gạo góp gạo, người có tiền góp tiền hoặc giúp đỡ nhau ngày công. Điển hình như bà con trong xóm đã giúp gia đình ông Trần Văn Sinh làm nhà đại đoàn kết trị giá trên 30 triệu đồng; gia đình chị Tống Thị Sang mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, bà con trong xóm đã vận động đóng góp tiền, gạo để giúp chị bớt khó khăn…

 

Từ những việc làm ý nghĩa đó đã khiến cho tình làng, nghĩa xóm thêm gần gũi, gắn bó. Thu nhập bình quân đầu người của xóm chỉ đạt trên 3 triệu đồng/năm, nhưng trong Nghị quyết của Chi bộ Chí Son  đã thống nhất cao là trong năm tới vận động nhân dân đóng góp để làm 1,5km đường bê tông trên tổng số 3km đường của xóm