Đam mê trong vất vả

10:33, 13/11/2009

Cảm giác của tôi là sửng sốt khi xem tác phẩm múa "Tiếng vọng" do các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc thể hiện. Thông điệp tác phẩm muốn gửi gắm: Đừng dời bỏ quê hương, nơi ấy vẫn là nơi yêu thương ta nhất - là thông điệp không mới,  nhưng kịch bản lạ, cách biểu đạt táo bạo của ngôn ngữ múa và lối diễn xuất đam mê, ngẫu hứng của dàn diễn viên, đặc biệt là nhân vật chàng trai Mông ngơ ngác, khờ dại vừa đáng thương vừa đáng trách đã "ghi điểm" trong lòng người thưởng thức.

 

70 phút của chương trình cuốn hút với nhiều tràng pháo tay. Sau màn diễn, nhiều người nán lại nồng nhiệt chúc mừng Trưởng đoàn Nông Xuân Ái và diễn viên múa chính Lưu Tiến Kiên. "Tiếng vọng" là thành công lớn, bước đột phá mạnh mẽ của Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc, xứng đáng với 3 huy chương Vàng vừa đoạt được từ Hội diễn nghệ thuật toàn quốc.

 

 Tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với nghệ sĩ Lưu Tiến Kiên tại số nhà 7, ngõ 206 đường Minh Cầu, TP Thái Nguyên - nơi anh cùng vợ, con trai 3 tuổi đang ở.  Gặp Kiên, tôi càng ngạc nhiên: Chàng trai 29 tuổi, khoẻ mạnh, tóc húi cua, người Kinh 100%, vậy mà cậu vào vai trai bản giỏi thế, từ dáng đi, cái nhìn, cứ đặc sệt "chất" Mông.

 

Kiên sinh 1980, quê ở xã Phục Linh, huyện Đại Từ. Từ bé, trong những lần đi chăn trâu, đánh ngoé mang về cho mẹ chăn lợn, Kiên đã bày tỏ ước mơ với cậu bạn "nối kh" rằng một ngày nào đó có đoàn văn công đi qua thửa ruộng này nghe Kiên hát sẽ tuyển Kiên làm diễn viên. Dù hát hay, múa dẻo nhất trường cấp 2 của xã nhưng Kiên biết đó là ước mơ xa lắm, vì cả họ của Kiên chả mấy khi ra khỏi bờ tre, ruộng lúa nhà mình. Sát nhà  Kiên có chú lái xe của đoàn nghệ thuật tỉnh, Tết Trung thu năm ấy chú ra đình nghe bọn trẻ con hát, múa. Chú mạnh dạn "sơ tuyển" đưa 3 đứa (trong đó có Kiên) về T.P Thái Nguyên thi vào Trường múa Việt Nam. Kiên nhớ lại: Năm ấy (1992), cả tỉnh có hơn 1.000 người sơ tuyển, Kiên cùng 8 người lọt vào vòng trong.  Lại qua 2 vòng tuyển nữa, Kiên là một trong số rất ít người đủ tiêu chuẩn được vào học hệ 7 năm của Trường múa

 

Cậu bé Kiên tuy mới 12 tuổi nhưng đã hiểu nỗi lo cơm áo của bố mẹ, ăn uống hàng ngày đã kham khổ, giờ lại nuôi con đi học ở Hà Nội những 7 năm liền. Nhưng bố Kiên bảo: Dù bố có đi ăn mày cũng cho con học. Hôm tiễn Kiên đi, mẹ ôm Kiên mãi, thương thằng con bé bỏng, tý tuổi đầu đã phải về tận Hà Nội sống một mình. Kiên thủ thỉ: Gặt hái xong mẹ xuống chơi với con nhé. Giọng mẹ buồn buồn: Nhưng mẹ không có quần áo đẹp xuống chơi với con đâu. Câu nói của mẹ khiến Kiên chỉ ăn 2 nghìn đồng tiền cơm chan thêm nước rau luộc, để dành chút tiền gia đình cho đã vốn ít ỏi để mua quần áo đẹp tặng mẹ. Được gần 1 tháng thì cậu liên tục ngất trên sàn tập. Bà bán cơm là người phát hiện ra bệnh của Kiên: - ốm đau gì đâu, nó đói đấy… Nghĩ lại chuyện xưa, Kiên bảo: Em thấm thía sự chắt bóp của bố mẹ em, nguồn nuôi em chỉ trông vào mấy lứa lợn quay vòng, cũng may, lũ lợn đều hay ăn chóng lớn, đủ nuôi Kiên đến khi tốt nghiệp.

 

Ra trường năm 2000, Kiên trở thành diễn viên của Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc. Dù tham gia tiết mục nhỏ hay solit của chương trình biểu diễn lớn, quan điểm của Kiên là luôn làm việc hết mình. Kiên tâm sự: Múa là bắt chước về động tác nhưng tâm hồn là do mình nuôi dưỡng, nếu không có tình cảm thấm đẫm thì động tác múa biểu đạt sẽ hời hợt, khô khan. Nhiều tiết mục Kiên tham gia cùng Đoàn đoạt Huy chương Vàng, Bạc.

 

Trở lại vai chàng trai người Mông trong "Tiếng vọng", theo Kiên đó là vai diễn may mắn vì cuộc đời diễn viên không phải ai cũng có cơ hội được làm như thế. Kịch múa ở Việt Nam không nhiều,  hơn nữa lại là một vở kịch dàn dựng theo phong cách múa hiện đại kết hợp với tinh hoa dân tộc. Tác giả kịch bản Anh Đức - Thái Phiên, đạo diễn và biên đạo múa của nhóm +84 gồm Anh Đức, Văn Hiền và Thi Ngọc đều là những nghệ sĩ rất trẻ của Nhà hát vũ kịch Việt Nam. Họ còn có phương pháp làm việc đặc biệt: Các diễn viên phải khởi động 1 tiếng trước khi mở màn. 10 phút trước khi ra sân khấu, mọi người nắm tay nhau truyền năng lượng, nhắm mắt thoát thân khỏi mọi lo toan buồn phiền để thăng hoa cùng vai diễn. Kiên cũng vậy, gương mặt ngây ngây ương bướng, bước chân nặng nề, anh như vừa đi ra từ triền núi mù mờ sương giăng, từ nương ngô bé xíu quây đá, từ bếp lửa nhà sàn lẻ loi giữa rừng rú âm u. Cũng là cơ duyên, vì trước đó, Kiên tham gia sưu tầm nghệ thuật tại vùng dân tộc Mông ở Khau Vai (Lao Cai). Nửa tháng ở cùng dân bản, anh tiếp cận với nguồn cội hoang dã của điệu múa khèn và bắt được cái thần của người thổi khèn. Anh dành nhiều thời gian tìm hiểu cuộc sống, phong tục, cách nhìn, cách đi, thể hiện buồn vui của đồng bào. Như nhiều chàng trai Mông tài ba khác, anh vừa thổi khèn vừa xoay người, lộn vòng trên không mà tiếng khèn vẫn tròn đầy. Bởi thế trong "Tiếng vọng", cây khèn trong tay anh là tiếng nói duy nhất lúc kiêu ngạo bứt phá, lúc day dứt nhớ thương, lúc ân hận tràn đầy. 

 

Với "Tiếng vọng", hơn 1 năm trước khi tập, các diễn viên được luyện tập đẩy căng về kỹ thuật, sức lực, trau dồi kỹ xảo. Mỗi động tác phải tập ít nhất 200 lần, để có 70 phút diễn với 4 cảnh, 50 diễn viên và các nhà biên kịch đã phải làm việc ròng rã 6 tháng trời. "Tiếng vọng" là tác phẩm đồ sộ nhất  được Đoàn dàn dựng từ trước đến nay. Vở tham gia hội diễn nghệ thuật toàn quốc ở Nha trang đã đoạt 3 Huy chương Vàng. Cá nhân nghệ sĩ Lưu Tiến Kiên được Bộ Văn hoá -Thể thao - Du lịch công nhận là diễn viên xuất sắc nhất, Trường Múa trao phần thưởng cho diễn viên xuất sắc là người của Trường...  Xem Kiên múa, khán giả chỉ thấy sự đam mê mãnh liệt, sự thăng hoa và tràn đầy ngẫu hứng trong từng vũ đạo, nhưng có gặp Kiên mới biết để liên tục múa được ngần ấy thời gian, Kiên đã phải dùng thuốc giảm đau cực mạnh để "chiến đấu" với vết chấn thương ở vai anh bị khi tập, trong khi mỗi đêm diễn, người múa chính như anh chỉ được bồi dưỡng 100 nghìn đồng.

 

7 năm học hành thiếu thốn, ra nghề vẫn bí bó bài toán sinh nhai nhưng Kiên vẫn yêu nghề lắm. Vợ chồng anh đang bàn tính mở quầy cho thuê trang phục biểu diễn, dàn dựng các chương trình quần chúng để nuôi nghề. Còn tôi không hiểu sao cứ nghĩ về "Tiếng vọng". Tác phẩm hội tụ bao nhiêu tâm sức, thời gian để truyền tải một thông điệp tốt đẹp như vậy nhưng có thể đến được với đông đảo người xem không? Và những nghệ sĩ tài năng trời phú cộng với sự lao động nghệ thuật nghiêm túc như Kiên có đủ điều kiện để sống được bằng nghề?