Từ ngày 28/11 - 1/12, tại thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất. Hơn 6 tháng qua, tỉnh Hậu Giang, nơi đăng cai tổ chức - đã tích cực chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của quốc gia này.
Về Hậu Giang những ngày này, ở đâu cũng bắt gặp không khí náo nức chào đón Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất. Quốc lộ 61 về thị xã Vị Thanh được mở rộng, phong quang sạch đẹp; trước cửa nhà hộ dân dọc 2 bên đường cờ hoa rực rỡ. Trung tâm thị xã Vị Thanh về đêm càng thêm lung linh huyền ảo bởi ánh đèn đủ màu sắc. Không khí Festival chộn rộn trong từng người dân. Chị Quách Thị Thuận, ở phường 1, thị xã Vị Thanh cho biết người dân ở đây rất vui mừng, phấn khởi, được chứng kiến lễ lớn như thế này. Mọi người chuẩn bị nhà cửa khang trang, đường phố sạch sẽ để đón khách quý.
Festival lúa gạo sẽ có 20 sự kiện diễn ra; trong đó có 4 cuộc hội thảo chuyên đề về sản xuất và phát triển ngành lúa gạo Việt Nam. Các hội thi “Khuyến nông giỏi toàn quốc”, khánh thành công viên Xà No - công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội; các hội thi văn nghệ, thể thao; ẩm thực. Riêng khu triển lãm lúa gạo Việt Nam được Ban tổ chức đầu tư hơn 1 tỷ đồng hình thành một quần thể triển lãm rộng hơn 1.800 m2. Tại đây có hơn 500 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước tham gia. Đặc biệt, có sự tham gia của gần 100 gian hàng của các địa phương trong cả nước trưng bày về các thành tựu trong nông nghiệp cũng như các đặc sản của từng miền quê. Nhiều gian hàng trưng bày các nông cụ, công cụ; hình ảnh, tái hiện sinh động truyền thống nghề trồng lúa nước của nước ta từ xa xưa đến giai đoạn hiện nay.
Khu triễn lãm của tỉnh Hậu Giang có 5 gian hàng; trong đó Hậu Giang chọn các đặc sản nông nghiệp để trưng bày như: lúa HG2, mía, khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi, cá thát lát cườm, cá rô đồng... Trên những trụ làm cột của các gian hàng được ốp bằng những chậu mía, những bông lúa thật; làm cho gian hàng càng thêm sinh động. Anh Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng quản lý chất lượng giống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết ý nghĩa của gian trưng bày nhằm giáo dục cho người dân đặc biệt thanh niên hiểu hơn về nghề trồng lúa.
Một trong những điểm nhấn của Festival lần này là đêm khai mạc. Để tôn vinh nghề trồng lúa, người trồng lúa, ban tổ chức đã cho dựng một sân khấu hình bán nguyệt, một nửa nằm dưới nhánh của kênh xáng Xà No; tạo cho sân khấu thêm bề thế, ấn tượng. Đêm khai mạc sẽ tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của nghề trồng lúa nước ở nước ta; tái hiện cảnh cày ruộng, gặt lúa của nhân dân lao động thời xa xưa, cũng như ngày nay.
Về điểm nhấn của đêm khai mạc, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hậu Giang, Tổng đạo diễn đêm khai mạc cho biết: Chương trình ca nhạc được xây dựng theo hành trình của nền văn minh lúa nước. Chương trình thể hiện toàn cảnh sản xuất, lao động của người nông dân. Điếm nhấn là các quá trình trồng lúa nước của cả 3 miền.
Festival lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên khai mạc sẽ là một mốc son mới trong lịch sử nghề trồng lúa ở nước ta. Với sự chuẩn bị chu đáo của mình, Hậu Giang sẽ tổ chức thành công Festival này; góp phần cùng với cả nước thúc đẩy ngành sản xuất lúa gạo ngày càng phát triển.