Phú Lương là huyện có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số như: Tày, Sán Chí, Nùng, Sán Dìu, Dao chiếm hơn 40% dân số. Mỗi dân tộc mang một nét bản sắc văn hoá riêng. Chính vì vậy, trong quá trình hội nhập và phát triển, huyện luôn quan tâm tới việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
Chúng tôi đến xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương) để tìm hiểu những nét văn hoá đặc sắc của người Sán Chí. Đồng chí Hầu Văn Lương, Bí thư Chi bộ cho biết: Đồng Tâm có tới 95% dân số là người Sán Chí, trong giao tiếp hàng ngày, đồng bào vẫn nói với nhau tiếng mẹ đẻ. Những người con của xóm dù đi bất cứ nơi đâu cũng vẫn nhớ ngày 2-2 âm lịch về vui hội lễ Cầu mùa. Trong lễ Cầu mùa, nhà nào nhà nấy mang lợn, gà và xôi lên cúng ở đình làng, cầu cho mùa màng tốt tươi, cây cối đâm trồi nảy lộc, thóc đầy bồ, gà đầy chuồng, cuộc sống no đủ. Những ai đã từng về dự ngày hội của xóm thì khó có thể quên được những ấn tượng sâu đậm về bản sắc văn hoá nơi đây. Đó là điệu múa Tắc xình độc đáo, những câu hát Ví ngọt ngào làm say đắm lòng người. Không những thế, người xem còn được đắm mình trong không gian đầy màu sắc của những bộ trang phục mà người Sán Chí chỉ mặc trong dịp lễ hội. Những trò chơi dân gian như: tung còn, đi cà kheo… tạo nên một không khí sôi động, náo nhiệt, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, sự quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ý thức về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, năm 2005 xóm đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn văn hóa Sán Chí do ông Hầu Văn Tĩnh làm chủ nhiệm. Trao đổi với chúng tôi, ông Tĩnh cho biết: Việc thành lập CLB là để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các cụ cao tuổi trong CLB say mê với công việc sưu tầm và dịch lại sách cổ để truyền dạy cho con cháu những phong tục, tập quán tốt đẹp cũng như những điệu múa, câu hát của dân tộc mình. Đây thực sự là biểu hiện sinh động cho việc quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa thông qua các lễ hội ở Phú Lương.
Ngoài lễ hội Cầu mùa ở Tức Tranh, một số lễ hội dân gian khác cũng được huyện quan tâm khôi phục và củng cố như: Lễ hội bánh Dày của người Tày ở xóm Hạ, xã Yên Đổ; lễ Cấp sắc của người Dao ở xóm Khe Nác, xã Yên Đổ; lễ hội Đền Đuổm ở xã Động Đạt… Các lễ hội không chỉ mang tính chất ngày hội của địa phương, của huyện, mà đã thu hút được đông đảo người dân các vùng lân cận và du khách gần xa về chung vui.
Đồng chí Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Ngoài quan tâm khôi phục hoạt động lễ hội, chúng tôi còn chú trọng tới việc lưu giữ ngôn ngữ của các dân tộc. Huyện thường xuyên cử cán bộ đi học các lớp tiếng Mông, tiếng Tày. Đài Phát thanh - Truyền hình huyện mỗi tháng có 2 bản tin từ 15 đến 20 phút/bản tin phát thanh tiếng Tày - Nùng. Ngoài ra, huyện còn vận động các xã có đông đồng bào dân tộc xây dựng nhà sàn làm trung tâm sinh hoạt cộng đồng để bảo tồn văn hóa nhà ở. Phú Lương cũng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, gắn bảo tồn văn hóa với thương mại, du lịch. Sắp tới huyện đưa ra một số bản, làng tiêu biểu vào làm điểm du lịch, mở ra hướng đi mới trong khai thác, bảo tồn văn hóa truyền thống, dựa vào du lịch cộng đồng, để văn hóa ngày càng gắn với đời sống xã hội. Lồng ghép việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương với nét độc đáo trong bản sắc dân tộc, gắn với những địa danh nổi tiếng trong chiến tranh như: Phủ Lý, Ôn Lương, Hợp Thành... Khi đưa vào khai thác tiềm năng du lịch, lợi ích kinh tế được hoà quyện với lợi ích văn hóa, người dân sẽ được hưởng lợi từ những dịch vụ này, như vậy sẽ bảo tồn được những giá trị văn hóa từ cơ sở. Năm 2009, Phú Lương được đại diện cho tỉnh tham dự chương trình giao lưu âm nhạc Việt Nam - Thuỵ Điển tổ chức tại Hà Nội.
Đồng chí Sơn còn cho biết thêm: Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đẩy mạnh việc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà huyện đã đề ra.