Ngày 8/12/1999, Hội Sinh vật cảnh tỉnh được thành lập trên cơ sở Hội Làm vườn T.P Thái Nguyên với 10 thành viên tham gia. Sau 10 năm thành lập, tổ chức Hội ngày càng được mở rộng, lớn mạnh, số hội viên ngày càng tăng lên, đến nay Hội đã có 810 hội viên.
Đã thành lập được tổ chức Hội và kiện toàn được Ban Chấp hành Hội, đã thành lập được Câu lạc bộ sinh vật cảnh Người Cao tuổi ở nhiều địa phương và hoạt động có hiệu quả, như Hội Sinh vật cảnh T.P Thái Nguyên có 95/450 hội viên chuyên sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh, trong đó có 2 doanh nghiệp, 10 doanh nhân tham gia vào công việc xây dựng công trình, vườn cảnh, non bộ, cây xanh đô thị mang lại giá trị kinh tế khoảng 1 tỷ đồng. Hội Sinh vật cảnh Sơn Cẩm (Phú Lương) có 20 hội viên có vườn sinh vật cảnh trị giá từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng. Hội viên Hội Sinh vật phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên) có doanh thu gần 100 triệu đồng… Ở T.P Thái Nguyên, nhiều hội viên có vườn sinh vật cảnh có giá trị từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, như gia đình ông Ngừ, ông Kiểu, ông Giang (phường Phú Xá); ông Hải, ông Phú (phường Tân Thịnh)… Huyện Phú Lương có 20 hội viên có vườn sinh vật cảnh, trị giá từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, điển hình như gia đình ông Khải, ông Quý, ông Quốc…
Tham quan vườn sinh vật cảnh của hội viên Trần Quang Khải, xã Sơn Cẩm (Phú Lương), chúng tôi được biết để có một cây cảnh có giá trị kinh tế và tính thẩm mỹ cao thì người làm cây cảnh phải có niềm say mê, khéo léo... Cẩn thận tỉa từng chiếc lá, uốn từng dáng thế rồi nâng niu những nhánh rễ non vừa mới buông khỏi thân cây để tạo ẩm. Ông Khải giới thiệu: Khu vườn này có 100 loại cây khác nhau, các cây này có tuổi đời từ 30 - 100 năm… thu nhập một năm được khoảng 1 tỷ đồng. Dừng lại ở cây Lộc Vừng, ông Khải cho biết thêm: Cây này có tuổi đời trên 100 năm, đường kính gốc 1,5m, giá trị kinh tế khoảng 400 triệu đồng. Những kiến thức để trồng và chăm sóc cây cảnh, chúng tôi được học qua các lớp tập huấn về cây cảnh; các cuộc thi sinh vật cảnh; đi thực tế trao đổi kinh nghiệm, học tập ở những Hội trong và ngoài tỉnh...
Xuôi về thành phố, chúng tôi tới thăm không gian sinh vật cảnh của bác Phạm Đức Thỏa, hội viên Hội Sinh vật cảnh phường Thịnh Đán. Khác với hội viên khác, bác Thỏa lại chọn cho mình thú chơi sinh vật cảnh từ đá và gỗ. Theo lời bộc bạch của bác Thỏa thì phần lớn các tác phẩm ấy không đặt lợi ích kinh tế lên trên vì một năm chỉ bán vài tác phẩm được khoảng 40-50 triệu đồng. Các tác phẩm có giá trị như Nét văn hoá dân tộc, Minh cung thập nhị giáp, Mộc thiên thập nhị giáp, Mẫu tử tình thâm, Nhìn về dĩ vãng, Đầu rồng cổ vật Thăng Long… được làm từ những hòn đá, gốc cây cổ thụ, bộ rễ khô- những vật tưởng như vô tri này dưới đôi bàn tay khéo léo đã tạo nên những sản phẩm mang ý tưởng sáng tạo rất độc đáo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhỡ, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết: Để thu hút được hội viên tham gia, trong 10 năm qua, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho các hội ở cơ sở tổ chức trưng bày, thi các loại hình sinh vật cảnh như các loại cây kỹ thuật, cây bonsai, đá cảnh, gỗ lũa, chim cá cảnh, phong lan... Bên cạnh đó, các cấp Hội đã quan tâm nâng cao nhận thức và trình độ kỹ thuật về sinh vật cảnh cho cán bộ, hội viên, đã tổ chức các cuộc trưng bày, thi sinh vật cảnh. Nhiều tác phẩm sinh vật cảnh đã đạt đến trình độ cao. Từ 20%- 30% hội viên và nhiều gia đình đã đầu tư vốn để sản xuất kinh doanh doanh sinh vật cảnh, nhiều hộ đã có tài sản sinh vật cảnh trị giá hàng trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Hội Sinh vật thành phố Thái Nguyên đã phong được 5 nghệ nhân sinh vật cảnh. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng bằng khen trong công tác hội và dành được nhiều giải vàng, giải bạc trong các cuộc thi trưng bày sinh vật cảnh ở trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên và đông đảo nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của sinh vật cảnh trong đời sống nhân dân. Xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển, hoạt động có hiệu quả góp phần tích cực vào viẹc thực hiện thắng lợi chương trình kinh tế- xã hội của tỉnh đề ra.