Từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được ai là tác giả của “Phạm Công- Cúc Hoa” nên thường đề: Truyện Nôm khuyết danh.
“Phạm Công- Cúc Hoa” là một truyện thơ Nôm nằm trong di sản văn học của dân tộc, xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Đây là thời kỳ mà văn học chữ Nôm của dân tộc nở rộ với những truyện như: Thạch Sanh, Hoàng Trìu, Phạm Tải Ngọc Hoa, Hoa Tiên… Mới đây, tác giả của “Phạm Công Cúc Hoa” tình cờ được phát hiện ra.
Truyện gồm 4.610 câu lục bát – Dài hơn Truyện Kiều và được coi là một trong những truyện Nôm có số câu nhiều nhất. Ngôn ngữ tiếng Việt trong văn học chữ Nôm cho đến giai đoạn này dù đã có nhiều phát triển vượt bậc so với thế kỷ 15 (tất nhiên là so với ngày nay thì ngôn ngữ còn chưa nhuần nhị) nhưng truyện đã có những đoạn tả người, tả việc đã rất hiện đại, sinh động. Tác phẩm khắc họa được một số nhân vật và một số hình ảnh cuộc sống xưa kia, đặc biệt là hình ảnh thế giới mà vẫn đậm đà màu sắc hiện thực thời điểm lúc bấy giờ.
Mới đây, chữ “Khuyết danh” của truyện thơ Nôm “Phạm Công Cúc Hoa” bất ngờ được đề tên tác giả: Dương Minh Đức Thị. Giới nghiên cứu biết được điều này nhờ vào cuộc triển làm tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM từ 25/11 đến 27/11 vừa qua. Tài liệu truyện Nôm “Phạm Công- Cúc Hoa” thuộc sở hữu của linh mục Joseph Nguyễn Hữu Triết đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Đây là bản tin khắc gỗ được xem là bản cố nhất với đầy đủ thông tin về tác giả, nhà xuất bản và thời gian ra đời ghi ở dòng ngang nằm trên và dòng “lạc khoản” bên phải bìa sách. Theo đó, “Phạm Công Cúc Hoa” do tác giả Dương Minh Đức Thị biên soạn, Thiên bảo lâu Thư Cục xuất bản năm 1880, Minh Chương Thị đính chính và hiệu sách Quảng Thạnh
Tóm tắt truyện
Truyện kể về Phạm Công – một chàng trai sinh ra trong một gia đình nghèo, phải đi làm công nuôi bố mẹ. Khi bố chết, chàng phải đi ăn mày, tiếp tục phụng dưỡng mẹ đến khi mẹ chết. Là người hiếu học, chàng xin thụ giáo Quỷ Cốc tiên sinh. Ở đây chàng được Cúc Hoa, bạn đồng học, con gái tri phủ, yêu thương. Quỷ Cốc tiên sinh đã gả con gái cho Phạm Công. Khi Cúc Hoa mang thai thì cũng là thời điểm kỳ thi diễn ra. Phạm Công phải “lai kinh ứng thí”. Trên đường đi, Phạm Công gặp không ít gian truân khổ ải. Vì dáng vẻ khả ái nên chàng nhiều lần bị quốc vương ép lấy công chúa. Tuy thế chàng đều từ chối. Nhờ công chúa nước Triệu nhân từ, chàng được trở về quê hương làm nguyên soái, sống cùng Cúc Hoa và có hai con là Tiến Lực và Nghi Xuân.
Cúc Hoa không may từ trần lúc 30 tuổi. Phạm Công lấy Tào Thị và lên làm trấn thủ Cao Bằng. Tào Thị ở nhà ngoại tình và đuổi hai con chàng đi ăn mày. Cúc Hoa hiện về gặp hai con và gửi thư tin cho chồng biết. Sau ba năm trấn thủ, Phạm Công trở về, đuổi Tào Thị đi. Tào Thị bị sét đánh chết. Được công chúa Xuân Dung nước Trịnh, Tề thiên đại thánh và diêm vương giúp đỡ, Phạm Công xuống “âm ty” tìm được vợ. Cúc Hoa tái sinh, trở lại dương thế, “vu quy” với Phạm Công. Phạm Công được vua Trịnh gả công chúa Xuân Dung và nhường ngôi vua…