Tìm vui trong dân gian

09:24, 06/12/2009

Trông ông trẻ hơn tuổi 60 rất nhiều, trong cơ quan (Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam), hầu hết anh, chị em đều gọi ông là bố. Ông là Lục Văn Tư, là người dân tộc Tày. Bao nhiêu năm rồi, ông cùng các đồng nghiệp của mình vượt hàng trăm cây số, mang “vật báu” của đồng bào về Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam bảo quản, trưng bày phục vụ việc nghiên cứu, học tập của mọi người, mọi ngành trong xã hội...

 

Ông cất tiếng khóc chào đời nơi ngọn nguồn dòng sông Cầu. Đó là vùng đất Phương Viên, Chợ Đồn, Bắc Kạn, nơi những con khe từ lách núi gom nước cùng làm nên một dòng sông. Ông tự hào: Mình ăn cơm bằng gạo thóc cấy trồng trên đất Phuơng Viên, nước mình uống được chắt ra từ gầm núi, mình cũng như bao chúng bạn lớn lên bằng lời ru trong nôi và cái chữ Bác Hồ.

 

Năm 1968, ông thi đỗ vào Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông chọn chuyên Ban Dân tộc học vì lý do rất đơn giản: “Mình là người dân tộc vùng cao, học ban đó, mình có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn về đồng bào các dân tộc thiểu số”. Vậy là sau 4 năm đèn sách, ông ra trường và được phân công về Thông tấn xã Việt Nam... làm báo. Cuộc đời ông, kể từ ấy hằng ngày đi và viết. Nhưng, chốn phồn hoa Hà Thành nhộn nhịp không phù hợp với chàng trai người Tày, chân chất quen hít thở khí rừng miền Trung du. Năm 1980, ông xin chuyển về Bắc Thái làm một nhân viên của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Ở đây, ông say mê nghiên cứu các tài liệu liên quan tới nhiệm vụ chuyên môn, để 10 năm sau, ông có chuyến thực tế đầu tiên cùng các đồng nghiệp về vùng Thanh Sơn (Phú Thọ) nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hoá dân tộc Mường. Sau hơn 30 ngày, ông cùng các đồng nghiệp đã sưu tầm mang về cơ quan gần 100 hiện vật, chủ yếu là trang phục, công cụ lao động sản xuất, đồ dùng săn bắt, hái lượm và nhạc cụ dùng trong sinh hoạt văn hoá tâm linh của đồng bào Mường.

 

Có lẽ nghề ngấm vào máu, nên từ gần 20 năm theo nghề nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật văn hoá cho dân tộc, năm nào ông cũng có vài chuyến cùng các đồng nghiệp đi công tác ở các tỉnh vùng cao, miền núi. Khi ở cực Bắc Hà Giang, lúc lên Tây Nguyên, thuận đường thì đi xe ô tô; nơi núi cao, dốc đứng thì đi theo vết chân ngựa về với đồng bào. Ông đã cùng các đồng nghiệp của mình đi tìm “cổ vật” Quốc gia bằng cái tâm của người được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hướng về cội nguồn dân tộc. Ông không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu bản làng vùng cao, chỉ áng chừng được hơn 40 tỉnh trên dải đất hình chữ S, sưu tầm được hàng nghìn hiện vật ở dạng vật thể, phi vật thể và chụp được hàng nghìn tấm ảnh tư liệu quý về cuộc sống tinh thần của 38 dân tộc khác nhau. Những hiện vật quý: Ở các tỉnh miền núi phía Bắc có trang phục truyền thống của đồng bào người dân tộc Mông; thanh la, kèn đồng, thẻ xóc quẻ âm dương của thầy tào người Dao. Vùng Tây Nguyên có bộ nhạc xóc niên đại trên 100 năm của đồng bào Gia Rai, Mơ Nông và những chiêng, trống, công cụ sản xuất, vũ khí săn bắn... của đồng bào các dân tộc đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Cùng với các hiện vật văn hoá hình khối, ông còn sưu tầm được những câu chuyện, bài hát dân ca của các dân tộc, như câu chuyện “Nguồn gốc dòng học Pơ Loong” - dân tộc Giẻ Triêng ở Ngọc Hồi (Kon Tum). Các thể loại dân ca của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi... Mỗi hiện vật, mỗi câu ca, câu chuyện sưu tầm được, ông đều ghi chép tỉ mỉ, đối chứng và cẩn trọng khi mang về giao nộp cho cơ quan.

 

Ông tâm sự: Cái nghiệp nó vận vào người, biết là khổ đấy mà chẳng hiểu sao cả đời mình cứ mê mẩn với "nó". Còn kỷ niệm nghề... nhiều lắm, chủ yếu là những chuyến công tác phải đi bộ, ăn đói vài ba ngày, lưng còn phải đeo gùi theo hiện vật, mệt đứt hơi, gặp mưa, thà người ướt chứ không để hiện vật sưu tầm được bị ngấm nước, vì đó không chỉ là tài sản, mà là những hiện vật văn hoá, tinh thần của một dân tộc. Nhất là khi những hiện vật ấy từng gắn bó với cuộc sống của mỗi con người, dòng tộc, khi đã trao cho cán bộ làm công tác bảo tàng lưu giữ, bảo quản, trưng bày, đồng nghĩa với việc đồng bào gửi gắm vào đó cả niềm tin, nên không thể vì bất cứ lý do nào mà để hỏng, để mất. Để mất, có nghĩa là có tội với Đảng, Nhà nước và với đồng bào các dân tộc.

 

Ông dừng lời, tôi bắt gặp trong mắt ông, một ánh nhìn trìu mến. Có lẽ chỉ bấy nhiêu thôi, đủ để hàng nghìn người dân tộc thiểu số tin ông, giao cho ông những hiện vật quý, để sau đó ông cùng các đồng nghiệp của mình vượt hàng trăm cây số, mang “vật báu” của đồng bào về Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam bảo quản, trưng bày phục vụ việc nghiên cứu, học tập của mọi người, mọi ngành trong xã hội. Với ông, mỗi hiện vật sưu tầm được lại có một kỷ niệm, một niềm vui khác nhau. Đơn giản, vì ông là người hiểu được ở các hiện vật đó những giá trị tinh thần mà không có thứ tiền bạc nào mua nổi.