Tưởng niệm 10 năm ngày mất của Giáo sư Trương Tửu

14:09, 14/12/2009

Ngày19/12 tới đây, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và gia đình Giáo sư Trương Tửu tổ chức giới thiệu tuyển tập văn xuôi của ông để tưởng niệm 10 năm ngày mất của cố giáo sư. Dẫn chương trình là nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hữu Sơn.

 

Theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo Trương Tửu (18/10/1913 – 16/10/1999), còn có các bút danh Nguyễn Bách Khoa, Hoàng Canh, Mai Viên, T.T...; nguyên quán làng Bồ Đề, xã Phú Viên huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là một phường thuộc quận Long Biên, Hà Nội).

 

Cuộc đời giáo sư Trương Tửu là một chuỗi những thăng trầm, những cuộc dấn thân với một tinh thần trung thực, tranh đấu vì học thuật và lẽ phải. Vào năm 1927, ngay khi mới 15 tuổi, ông đã bị bắt, bị đuổi học vì tham gia bãi khóa ở Hà Nội để đòi thực dân Pháp thả tác giả Chiêu hồn nước (Phan Tất Đắc, 1910-1935). Ba năm sau, khi đang học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, ông vận động học sinh bãi khóa, phản đối ban giám đốc bỏ các môn lý thuyết về kỹ thuật nên lại bị đuổi học. Năm 1937, ông làm chủ bút Quốc gia khuynh tả, vì đả kích Bảo Đại, triều đình Huế và Nghị viện nên bị truy tố trước Tòa án Hà Nội và bị xử phạt.

 

Năm 1940, ông viết “Kinh thi Việt Nam” nhưng bị cấm, viết truyện “Thằng Hóm” bị tịch thu ngay lúc ở nhà in. Từ 1941-1946, ông chủ trì Nhà xuất bản Hàn Thuyên và tập san Văn mới, chủ trương in sách của mọi tác giả, mọi xu hướng (dân tộc, dân chủ, quốc gia, cộng sản và các tác giả tự chịu trách nhiệm...). Bút danh Trương Tửu bị cấm, ông phải lấy bút danh Nguyễn Bách Khoa tiếp tục viết sách.

 

Tháng 5/1945, ông bị hiến binh Nhật lùng bắt phải bỏ trốn và tập san “Văn mới” bị tịch thu. Sau chín năm vàng son tham gia kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục giảng dạy lý luận và lịch sử văn học Việt Nam tại Trường Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1956, ông tham gia phái đoàn giáo dục đại học tham quan nghiệp vụ ở Trung Quốc, khi trở về viết bài trên tập san “Giai phẩm”  của Nhà xuất bản Minh Đức, kiến nghị một số chủ trương, chính sách mới về văn hóa, văn nghệ, giáo dục và kinh tế với Đảng và Nhà nước.

 

Năm 1957, ông được phong Giáo sư cùng đợt với các học giả Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường...

 

Đến nay không mấy ai còn nhớ những trang văn xuôi (bao gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn) in đậm tính luận đề và chất dã sử của Trương Tửu thời những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ XX. Sự lãng quên này có lý do bởi các tác phẩm văn xuôi Trương Tửu đều chưa được tái bản. Trên thực tế, Trương Tửu sáng tác khá nhiều và được coi là một trong những cây bút có phong cách trong làng tiểu thuyết giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.

 

Nói về số lượng, Trương Tửu sáng tác khá sung sức. Theo các nguồn tư liệu đã tập hợp được, trong khoảng năm năm (1937-1942) ông đã viết tới 11 tác phẩm văn xuôi, nhiều cuốn tiểu thuyết mà hiện giờ mới sưu tập lại được 10 tập tiểu thuyết và truyện

 

Độc giả ngày nay đọc tác phẩm Trương Tửu cần đặt các sáng tác của ông trong bối cảnh đương thời mới có thể nhận thức rõ hơn dấu ấn một phong cách riêng cũng như những đóng góp nhiều mặt với đời sống văn chương nước nhà. Hơn nữa, chính lối văn luận đề, giàu chi tiết hiện thực đời thường khiến cho tác phẩm của ông còn có thể trở thành điểm tựa của nhiều bộ môn liên ngành như lịch sử, báo chí, ngôn ngữ học, văn hóa học, xã hội học…