Trong hai ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009, hai di sản văn hóa của Việt Nam là Ca trù và Hát quan họ đã chính thức có tên trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO công nhận
Tuy nhiên, để được UNESCO ghi nhận những danh hiệu này đã khó, giữ được lại càng khó hơn…
Để ca trù có vị trí xứng tầm di sản
Việc ca trù được UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại khiến những người yêu ca trù yên tâm hơn, đặc biệt với một loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc mang trong nó những giá trị vô giá nhưng lại có một thân phận chìm nổi như ca trù.
Năm 2002, Chính phủ đã cho phép nghiên cứu ca trù để trình hồ sơ lên UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. GS. Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học nổi tiếng hiểu biết về ca trù khi đó đã được mời về nước để hỗ trợ nghiên cứu về ca trù.
Dù có tính đại diện nhưng sức sống không cao và khả năng bị mai một rất nhanh chóng nên ca trù được đề cử vào danh sách bảo vệ khẩn cấp và các chuyên gia thẩm định ca trù của UNESCO đã đưa ra các kiến nghị: Thực tế mà ca trù đang phải đối mặt là khi thế hệ nghệ nhân già mất đi, thế hệ nghệ nhân trẻ thực hành không xuất sắc, đầy đủ như truyền thống ca trù đã từng có? Lớp trẻ có thích và có nhiều người tham gia thực hành ca trù hay không? Muốn ca trù sống được phải có công chúng, có không gian văn hóa. Điều này đặt câu hỏi cho những nhà quản lý văn hóa địa phương. Đó là làm sao để cho lớp trẻ hiểu được giá trị văn hóa của ca trù, có lòng tự hào về di sản của mình, tham gia thưởng thức và có những đóng góp cụ thể để bảo vệ ca trù? Bên cạnh đó, những nghệ nhân lão thành cần được dành vị trí xứng đáng để tôn vinh, khai thác để họ có những đóng góp nhằm tích lũy vốn liếng cho ca trù, đồng thời phải quan tâm ngay thế hệ nghệ nhân tiếp theo - dù thời gian thực hành ca trù chưa lâu nhưng họ là những hạt nhân để làm nên câu chuyện tổ chức và truyền dạy.
Theo bà Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản văn hóa, thì trong quá trình làm hồ sơ chúng ta cũng gặp không ít khó khăn. Đó là ca trù trải dài trên 14 tỉnh, thành - quá rộng nên cần có sự điều tra để năm bắt thông tin xác thực về số lượng nghệ nhân còn sống, giá trị của loại hình di sản qua thực tiễn, đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn để bảo vệ. Và cho đến nay, câu chuyện bảo vệ như thế nào còn phải bàn với những cộng đồng có liên quan. Bên cạnh đó, việc làm thế nào để ca trù sống được trong nhịp sống hôm nay, thì phải có sự thích ứng.
GS. Trần Văn Khê, khi nghe tin ca trù được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, cho rằng: UNESCO đã đánh giá ca trù của Việt
Bảo vệ Quan họ cổ hay thay đổi để thích ứng?
Quy trình làm hồ sơ đề cử Hát quan họ lên UNESCO gặp nhiều thuận lợi hơn ca trù vì đây là loại hình nghệ thuật truyền thống được cộng đồng quan tâm, đặc biệt từ năm 1960 tới nay. Nhưng điều khó khăn là khi làm hồ sơ đề cử quan họ còn có sự tranh cãi: Hát quan họ ngày nay có nên đưa vào hồ sơ không và đó có thực sự là quan họ không? Bà Lê Thị Minh Lý khẳng định: Quan họ ngày nay cũng là quan họ nhưng có những sự thay đổi để thích ứng với cuộc sống luôn biến chuyển. Tuy nhiên cũng có những điều chỉnh để trở lại được như cũ. Vấn đề khiến nhiều nhà nghiên cứu lo ngại rằng, khi thực hành hát quan họ, việc sử dụng thái quá nhạc cụ, cải biên quan họ theo lối hát phương Tây, không gian văn hóa... Thay vì hát giao lưu thì hát phục vụ công chúng đông đảo còn có thể chấp nhận được, nhưng đưa Hát quan họ vào phục vụ nhà hàng với mục đích thương mại thì cũng cần xem xét lại.
Điều lo lắng của mọi người hiện nay là các kỹ thuật, ca từ của quan họ cổ có thể mai một nhanh chóng, nên phải chỉ ra những gì cần làm ngay để lưu truyền, kế tiếp quan họ cổ. Nhà văn Nguyên Ngọc khá lạc quan, khi ông cho rằng, dù đã có nhiều biến thái quan họ như quan họ rock, quan họ rap, dù quan họ hiện đã phát triển thành quan họ đoàn, quan họ “âm nhạc”; nhưng những giá trị, những tinh hoa của quan họ vẫn “sống”, bởi chúng ta vẫn có thể tới làng ngồi nghe quan họ; nghe những liền anh, liền chị vừa đi cấy về, phủi phủi hai chân vào nhau cho hết bùn, rồi ngồi hát, hát chay, không nhạc, không đàn. Những nghệ nhân quan họ dân gian ấy không hề được đào luyện, nhưng chính họ mới là những người giữ gốc của quan họ và nhờ có họ mà quan họ mới thật sự “sống”!.