Hội Hiểu xây dựng Làng văn hoá

13:33, 26/01/2010

Những ngàp áp Tết Nguyên đán, chúng tôi về xóm Hội Hiểu, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) để tìm hiểu về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

 

Không hẹn trước, nên hầu hết các ông, bà đại diện xóm cũng như bà con nông dân đều đi làm đồng. Biết xóm có khách, ông Đặng Xuân Vòng, Trưởng Ban công tác mặt trận từ ngoài đồng điện thoại di động về, hẹn chúng tôi: Đợi nhé, mình quãi nốt dược mạ, xong là về ngay.

 

Vâng! Đợi... Tôi nghĩ thế rồi cùng ông Trần Thái Học, người dân của xóm đến khu nhà văn hoá. Ở đây mọi người cũng đang bận rộn dọn dẹp, quyét lại vôi ve cho khu nhà, chuẩn bị khánh tiết để tổ chức cho nhân dân đón Xuân mới. Ông Học cho biết: Năm nay người dân Hội Hiểu sẽ đón một cái Tết long trọng, vì đây là năm đầu tiên xóm được thành phố công nhận đạt các tiêu chí Làng văn hoá cấp thành phố... Trò chuyện với một số bà con có mặt ở đây chúng tôi được biết: Xóm Hội Hiểu đạt được danh hiệu này thật chẳng dễ. Từ những năm đầu thập niên năm mươi của thế kỷ trước, đồng bào từ các tỉnh Cao Bằng; Lạng Sơn di cư về; bà con ở Thái Bình; Nam Định... ngược lên, thấy một vùng đất bãi ven sông Cầu có cây cối tươi tốt thì dựng chân, định cư lập lên xóm Hội Hiểu. Đến nay xóm có 131 hộ, hơn 500 nhân khẩu, với nguồn thu nhập chính đều từ sản xuất nông nghiệp.

 

Do đất ít... trồng cấy không đủ ăn nên vào dịp nông vụ thư nhàn hằng năm, nhiều trai tráng trong xóm lại rủ nhau đi bán sức lao động kiếm sống, trong số họ có nhiều người khi trở về đã mang theo tệ nạn nghiện ngập ma tuý, làng xóm vì thế mất đi sự gắn bó. Năm 1997, khi xóm triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, Hội Hiểu chỉ có hơn 10 gia đình cán bộ, đảng viên đăng ký tham gia. Nhưng với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa tuyên truyền vận động bà con trong xóm nâng cao nhận thức, hiểu đầy đủ hơn về ý nghĩa phong trào. Nên chỉ sau 1 năm số họ trong xóm đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hoá đã tăng lên hơn 50 hộ, và đến năm 2009 trong xóm có gần 130 hộ đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hoá.

 

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng xóm cho biết: Cách làm của Hội Hiểu là tuyên truyền, giải thích để mọi người dân thấy lợi ích của phong trào rồi mới vận động mọi người đăng ký tham gia. Vì thế đến những năm sau này, ngay cả một số hộ nghèo, hộ có người mắc tệ nạn xã hội... cũng muốn được đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hoá. Còn theo ông Đặng Xuân Vòng: Để cuộc vận động thành công, Ban Công tác mặt trận xóm đã lựa chọn các gia đình cán bộ, đảng viên làm nòng cốt; đồng thời phân công cán bộ, đảng viên phụ trách các cụm dân cư. Hàng tháng, người được phân công phụ trách có báo cáo lại với Ban Công tác mặt trận về thuận lợi, khó khăn để qua đó tìm cách tháo gỡ, giúp hộ gia đình đó có cơ hội vươn lên thoát nghèo, hoặc giúp con em họ từ bỏ các tệ nạn xã hội.

 

Cũng từ phong trào này, số hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được bà con chòm xóm chung tay giúp đỡ, như bày cách sử dụng tiền vồn vay ưu đãi ngân hàng trong phát triển sản xuất; giúp đỡ ngày công lao động... gia đình chị Hoàng Thị Nguyệt là một trong những điển hình, nhờ giúp đỡ của bà con chòm xóm và sự hỗ trợ của Nhà nuớc, đầu năm 2009 chị Nguyệt đã được ở trong ngôi nhà mới.

 

Từ triển khai tốt cuộc vân động xây dựng gia đình văn hoá, làng, xóm văn hoá, nên 10 năm nay xóm Hội Hiểu đã có thêm nhiều công trình hạ tầng được xây dựng mới bằng tiền đóng góp của nhân dân, như: Năm 2001 bà con xây dựng nhà văn hoá 5 gian, rộng hơn 150m2; năm 2002 bà con xây dựng nhà gửi trẻ 4 gian, 2 phòng học. Để đi lại thuận lợi, năm 2004 bà con tham gia đối ứng cùng Nhà nước làm được 1.300 m đường bê tông... Năm 2009, xóm có thêm 5 hộ thoát nghèo, 2 hộ nghèo còn lại dự kiến được giúp đỡ thoát nghèo vào cuối năm 2010.