Sau 5 ngày làm việc từ ngày mùng 5 - 10/1 tại Hà Nội, Hội nghị Quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ 2 kết thúc, hứa hẹn một bức tranh sáng sủa hơn trong việc quảng bá văn học Việt ra thế giới.
Nếu so với 25 dịch giả của 12 nước trên thế giới tham dự Hội nghị lần trước, thì 150 đại biểu nước ngoài và hơn 200 dịch giả, nhà văn Việt Nam có mặt tại Hội nghị Quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần này rõ ràng là một cuộc hội ngộ xứng tầm với kỳ vọng của những người đang dốc sức vì một sự nghiệp quảng bá văn học nước nhà ra thế giới.
Tính tới năm 2007, đã có khoảng 13.700 tác phẩm văn học của thế giới được xuất bản tại Việt Nam. Như vậy, trên thị trường hiện nay, trung bình cứ 100 cuốn sách được bày bán thì có khoảng 25 cuốn sách dịch của thế giới. Thế nhưng, cũng theo thống kê đó, tính tới nay, mới chỉ có khoảng 570 tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch và xuất bản ở các nước trên thế giới. Chỉ qua những con số biết nói đó, ai cũng thấy rõ sự thiếu cân bằng trong công tác dịch thuật, giới thiệu mà hệ quả của nó là những thiệt thòi khó tính hết với các nhà văn nói riêng và với vị thế văn hoá của một dân tộc nói chung. Bởi nói đến cùng, dịch thuật đôi khi có thể là một thích thú cá nhân nhưng lợi ích của nó lại thuộc về một quốc gia, dân tộc.
Trong những năm qua, không thể phủ nhận nỗ lực rất đáng trân trọng của một số tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đã âm thầm dịch, giới thiệu và tổ chức xuất bản những tác phẩm dịch văn học Việt Nam ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Hàng loạt những bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Chí Minh, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết của Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, truyện ngắn của Lê Minh Khuê, thơ Hữu Thỉnh, thơ Nguyễn Trọng Tạo... là minh chứng rõ ràng cho những cống hiến lặng lẽ và đầy nhiệt tâm đó. Công việc chuyển ngữ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài là việc không đơn giản, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức cũng như tình yêu với văn học, con người Việt Nam.
Với dịch giả Dashtsevel (Mông Cổ), để dịch được Truyện Kiều, ông đã mất hơn 20 năm để nghiên cứu tác phẩm, sau đó đối chiếu với các bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp. Không chỉ thế, dịch xong còn phải tự mình làm công tác quảng bá giới thiệu tác phẩm dịch đó. Nhà văn Constantin Lupeanu của Rumani cho biết: “Bản thân tôi khi cho ra đời bản dịch thơ Hồ Xuân Hương tôi đã phải tổ chức các hội thảo ở các thư viện và ở Hội nhà văn. Không chỉ giới thiệu tập thơ tôi còn phải giải thích cho họ hiểu cái hay cái đẹp của thơ Hồ Xuân Hương. Đến nay ở Rumania đã có hơn 30 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và trong giới trẻ nước tôi đã bắt đầu có làn sóng tìm hiểu về văn học Việt Nam.”
Cùng với dịch giả nước ngoài, một số lượng lớn các dịch giả trong nước và người Việt ở nước ngoài đã góp phần tạo dựng nên một dòng chảy của văn học Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp trong việc quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn chương như một sản phẩm văn hoá, một mặt hàng tinh thần vẫn chưa được đặt ra cụ thể trong chiến lược đưa văn học Việt Nam ra thế giới như quan điểm của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người Việt tại Đức chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng việc quảng bá văn học nó cũng giống như tinh thần vật chất phải có hệ thống. Đầu tiên các nhà văn phải cho ra đời các sản phẩm tốt, tiếp sau đó là hệ thống sản xuất bắt đầu từ quảng cáo, phát hành, marketing trên các phương tiện thông tin tại chúng. Nhưng cái đó chúng ta chưa có điều kiện.”
Mỗi nhà văn, dịch giả là người nước ngoài hay người Việt đều có những lý do riêng trong tâm huyết dành cho văn chương Việt Nam. Nhưng cũng dễ thấy một điều là, hầu hết các công trình dịch thuật, giới thiệu văn học Việt Nam cho tới nay vẫn còn thiên nhiều về khía cạnh giao lưu, trao đổi văn hoá giữa các nước hoặc chỉ dừng ở những quan hệ cá nhân với quy mô hết sức nhỏ lẻ. Tình trạng này đã là đáng quý trong bối cảnh hiện nay. Nhưng rõ ràng, về lâu về dài lại là vấn đề rất cần phải suy nghĩ. Đây có lẽ cũng là một phần câu trả lời của cho việc sau gần 40 năm đất nước thống nhất, Việt Nam đã trở thành bạn, thành đối tác của nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng so với sự hợp tác thành công trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị của đất nước, những giao lưu về văn học của chúng ta với thế giới vẫn còn quá khiêm tốn.
Đó là một trong những vấn đề hết sức bức thiết đang đặt ra với công cuộc quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đây đã là thời điểm chín muồi để hình thành một trung tâm dịch thuật của Hội nhà văn, một đơn vị sẽ đảm nhiệm chuyên trách các khâu trọng yếu như lựa chọn, biên dịch, hợp tác xuất bản và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Đó là mong mỏi không chỉ của riêng các nhà văn, các dịch giả mà còn là của cả dân tộc nhằm khẳng định vị trí của một quốc gia trên bản đồ văn hoá thế giới không thể không có những bằng chứng thuyết phục về văn học. Từ ý tưởng đến hiện thực còn là cả một quãng dài, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đề nghị mỗi người góp thêm một chút nỗ lực, mỗi ngày, mỗi nhà văn lại tìm thêm được một độc giả nước ngoài mới cho mình đối với văn học thế giới nói riêng và văn hoá thế giới nói chung. Điều đó giúp chúng ta tin tưởng vào một sự vươn xa, sự hội nhập của văn học Việt Nam./.