Lãnh đạo Nhà nước sẽ cày Tịch điền

08:23, 28/01/2010

- Từ 5 - 7 Tết Canh Dần (18 - 20/2/2010), lễ Tịch điền Đọi Sơn năm 2010 sẽ diễn ra tại cánh đồng Đọi Sơn (Duy Tiên - Hà Nam), đây cũng là năm đầu tiên lễ Tịch điền được tổ chức chính thức.

Năm ngoái, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn lần đầu tiên được phục dựng (mang tính chất thử nghiệm) tại chính vùng đất bắt đầu nghi lễ này từ thời Lê Hoàn (trị vì từ năm 980 - 1005), tương truyền vào năm 987. Do sử liệu (Đại Việt sử ký toàn thư) chỉ ghi lại vài dòng về nghi lễ này, không có khuôn mẫu để theo, nên việc phục dựng chủ yếu theo kiểu phóng tác, dựa trên trí tưởng tượng, vừa làm vừa thử, có gì chưa hợp lý thì điều chỉnh, còn thiếu thì bồi đắp, mong cho lễ hội thật sự có đời sống trong cộng đồng đương đại.

 

Lễ Tịch điền đầu xuân là biểu hiện rõ nhất của tín ngưỡng phồn thực đối với cư dân trồng lúa nước. Đây là nghi thức tái hiện cuộc giao hoan giữa Trời và Đất, từ cuộc hôn phối này, vạn vật mới sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, dân khang vật thịnh. Vì là nghi thức của Trời và Đất nên ngày xưa, đích thân nhà vua phải cầm cày, rạch một luống cày đầu tiên trên cánh đồng đầu năm để cầu mong mọi sự được hài hoà, may mắn.

 

Nay phục dựng lễ Tịch điền cũng rất phù hợp với nghị quyết của Trung ương về Tam nông, chú trọng đến nông nghiệp nên sau lần đầu thử nghiệm đã được sự ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao cũng như sự hưởng ứng của đông đảo người dân.

 

Năm nay, lễ hội Tịch điền về cơ bản sẽ giữ nguyên các nghi thức như năm ngoái (lễ cáo yết, lễ rước nước, lễ Sái Tịnh, lễ rước kiệu...), riêng Đại lễ cầu an sẽ được tổ chức ở chùa Đọi vào tối 6 Tết (thay vì tối 7 Tết). Theo BTC, các lãnh đạo Nhà nước sẽ về thực hiện nghi lễ cày (tịch điền), khai mở đường cày đầu xuân.

 

Yếu tố "đương đại" của lễ hội phục dựng thể hiện rõ nhất ở Hội thi vẽ và trang trí trâu. Năm nay, 30 con trâu sẽ được các họa sĩ trang trí từ sáng 6 Tết, sau đó 9 con đẹp nhất sẽ được chọn dùng cho lễ cày tịch điền sáng hôm sau. Ngoài các họa sĩ đương đại đến từ mọi miền đất nước, sẽ có thêm các họa sĩ đến từ các nước ASEAN (hiện Thái Lan và Malaysia đã nhận lời) và cả họa sĩ nước ngoài đang sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, con trâu mà vị lãnh đạo cấp cao dùng trong lễ Tịch điền sẽ không trang trí mà chỉ phủ vải lên lưng trâu theo truyền thống. Lãnh đạo sẽ cày 3 xá, có 1 người dắt trâu, 2 người đỡ chuôi cày và có 2 cô gái đi theo rắc hạt giống.

 

Riêng phần hội, ngoài Hội thi vẽ và trang trí trâu, nơi dân làng chủ yếu đến xem, sẽ có giải vật "Mùa xuân thượng võ", liên hoan rồng lân, các trò chơi dân gian, hát cửa đình...

 

Băn khoăn lớn nhất của Ban tổ chức đến thời điểm này là chuyện... trang phục cho lễ Tịch điền,  ví dụ lãnh đạo đi cày sẽ ăn mặc như thế nào, bởi thông tin này hoàn toàn không có tư liệu lịch sử...