Sáng nay đến cơ quan, thấy cô bạn đồng nghiệp cứ tần ngần trước tờ lịch mới, lẩm bẩm: Nhanh thật, hơn chục ngày nữa là đến Tết. Tết bây giờ không giống Tết ngày xưa, nghỉ vài ngày mà bận rộn suốt nhưng dù sao vẫn còn có cái để mà vui… chợt thấy điều cô bạn nói không phải là vô lý.
Đúng là Tết bây giờ không giống như những cái Tết ngày tôi còn thơ bé. Trong ký ức của tôi, khi còn gần một tháng nữa mới đến Tết nhưng không khí của ngày lễ đã ngập tràn trong từng câu chuyện. Nghe loáng thoáng người lớn hỏi nhau năm nay Tết ăn đụng thịt lợn với nhà nào, năm nay nhà gói bao nhiêu cái bánh chưng. Và trong câu chuyện trên lớp học của chúng tôi vào giờ ra chơi chỉ xoay quanh chủ đề về Tết. Dù lũ trẻ chúng tôi không làm được gì nhưng cũng háo hức trong không khí đầu xuân năm mới.
Chuẩn bị tiễn ông Táo về trời đã thấy không khí Tết gần lắm rồi, cảm giác chỉ cần giơ tay là chạm vào Tết. Cái thú nhất của những ngày này là lăng xăng quanh ông nhìn ông thay áo mới cho ngôi nhà và những cây trồng ngoài vườn. Hầu như nhà nào cũng tất bật với vôi ve để trang trí nhà đón Tết. Năm mới thế nào ông tôi cũng mua chục cân vôi cục, tôi trong một chiếc thùng riêng biệt để quét lại phần trước của ngôi nhà. Sau khi quét nhà xong, ông lấy phần vôi thừa quét lên các gốc cây trong vườn, để tất cả chợt sáng bừng lên không khí mới mẻ và rộn rã. Trong nhà ông cẩn thận kê lại bàn tủ và tỉ mẩn lấy giấy ráp, véc - ni đánh lại cái tủ đã cũ, cứ mài đi mài lại cho đến khi chiếc tủ bóng lên, cảm giác có thể soi gương được ông mới hài lòng lùi ra xa, gật gù nhìn ngắm thành quả lao động cả một ngày trời của mình. Chuẩn bị cho ba ngày Tết, thế nào mẹ cũng ra chợ mua hành tía từ rất sớm, ngâm trong nước tro bếp. Mẹ bảo giống hành tía, phải ngâm qua ba lần nước tro mới đem muối được, thời gian muối cũng lâu hơn hành trắng nhiều nhưng ăn thơm và ngon. Vại hành ấy thêm vào mấy cây dưa cải bẹ hay củ xu hào, Tết sẽ có một món ăn khó lòng quên được…
Đúng là Tết bây giờ không giống như ngày xưa, nhưng không khí của thịt mỡ, dưa hành vẫn còn đó. Đành rằng giờ đây mọi thứ đơn giản hơn ngày trước rất nhiều. Bởi những bận rộn nên hai chín, ba mươi, nhiều người mới đi sắm Tết. Gọi là đi sắm nhưng việc mua bán diễn ra cực kỳ đơn giản, chỉ cần nhấc điện thoại yêu cầu, một hai tiếng sau là có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, đầy đủ huơng vị Tết. Nhưng chẳng phải vì thế mà ngày này mất đi không khí rộn ràng. Đã thành lệ, gia đình nào trong những ngày giáp Tết vẫn bảo nhau thư thả việc cơ quan để lo sắm một cái Tết trọn vẹn. Đành rằng không khí Tết chẳng còn náo nức nhưng nhà nhà vẫn hỏi nhau đã mua đủ để bầy mâm ngũ quả chưa. Những ông chồng ngày thường mải chén chú, chén anh sau giờ tan sở cũng tạm gác cuộc vui lo ngắm quất ngắm đào và sắm sanh vài chai rượu. Những bà vợ việc nước nặng một bên vai cũng cố gắng tranh thủ thời gian trang hoàng lại ngôi nhà, sắm sửa mấy cành hoa để đón mùa xuân mới. Và trong bữa cơm Tất niên, dù bận bất cứ việc gì cũng phải có mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình. Để sớm mai mùng một, cả nhà cùng nhau đi chúc Tết ông bà nội ngoại, điều mà ngày thường chẳng mấy khi làm được vì có người này lại vắng mặt người kia.
Thế nên, Tết là mệt nhưng vẫn là những ngày vui, dù không náo nức mong chờ như ngày còn thơ bé nhưng vẫn thầm cảm ơn những ngày này. Bởi đây là dịp hiếm hoi để mọi thành viên trong gia đình, họ hàng gặp mặt, cùng hàn huyên những câu chuyện vui buồn, cảm thông và chia sẻ những lo toan của cuộc sống mà thường ngày có muốn cũng chẳng dễ gì thực hiện được.