Ngoài một vài đĩa “đáng xem” hoặc “xem được” nhiều đĩa hài Tết năm nay có nội dung nhạt nhẽo và trùng lặp, dù đĩa nào cũng được quảng cáo ầm ĩ với hàng loạt “danh hài”.
Nhiều trùng lặp và cũ kỹ
VCD "Chuyện đời" (gồm hai tiểu phẩm "Cuộc thi đệ nhất" và "Của gia bảo" chủ yếu khai thác khả năng giả gái của Hoài Linh. Anh hóa thân thành phụ nữ, từ ngoại hình, điệu bộ, đến giọng nói. Chỉ trong thoáng chốc, anh biến thành ba nữ thí sinh “đệ nhất” với ngoại hình, giọng nói và điệu bộ hoàn toàn khác nhau trong "Cuộc thi đệ nhất". Trong "Của gia bảo", anh tiếp tục độc diễn với vai bà mẹ và hầu như không rời sân khấu suốt hơn 20 phút.
Anh diễn hài tài thì tài thật nhưng liền tù tì cứ nghe anh nói sa sả thì cũng khó mà… cười. Vì tình huống các thí sinh đi thi hoa hậu, càng nói càng thể hiện “văn hóa lùn” đã được các tiểu phẩm hài khai thác đến mỏi mòn rồi. Cả chuyện con cái nịnh bợ đòi chăm bẵm mẹ khi biết mẹ có tiền cũng... cũ mèm.
"Chuyện đời" đã vậy, "Cười cái sự đời" thì suốt từ đầu đến cuối là câu chuyện không mấy hấp dẫn, và dễ đoán như một anh xưng “cô” bày trò lên đồng, xem bói toán và chữa bệnh để moi tiền của khách.
Ngoài hai đĩa theo mô típ trai giả gái thì cũng có đến hai đĩa hài diễn chuyện Táo quân. Gặp nhau cuối năm 2010 của VTV năm nay phát hành thành đĩa VCD từ 23 Tết, trước khi chương trình này phát sóng vào đêm 30 Tết.
Ra mắt sớm hơn VTV một ngày là sản phẩm khác DVD và VCD hài Xuân Táo quân 2010 với ba tiểu phẩm "Kiên nặng kiện", "Thầy bói mù" và "Chỉ vì trúng thưởng". Đĩa hài này có Vân Dung và Quang Thắng là những gương mặt tham gia Gặp nhau cuối năm 2010. Năm nào cũng vậy, ngần ấy gương mặt hài quanh đi quẩn lại trong mấy đĩa hài.
Nhiều tình tiết kịch bản chưa thuyết phục
Kiên nhẫn xem DVD "Nói xấu người yêu", chỉ thấy chuyện anh chàng đi ở rể, lấy tiền của vợ đi uống rượu bị vợ mắng rồi vin vào cớ đó đi tán gái làng. Cả tiểu phẩm hầu như chả có tình huống gì ngoài cảnh anh chàng này ngồi than vãn rồi đến nhà cô gái làng tán hươu tán vượn, hỏi đáp nhau những câu đố kiểu... không có đáp án.
"Khôn ở phố, ngố ở quê" lại kể chuyện ông bố về quê hỏi vợ cho con, phàm ăn tục uống, nói phét một tấc đến giời và cứ thế liến thoắng rông dài với ông sui gia tương lai... Chưa kể nhiều tình huống hết sức vô lý, kiểu như hai bố con ở phố về quê hỏi vợ cho con mà cứ đứng ngoài cửa phân phát những đồ vật bỏ đi và bánh kẹo bim bim cho ông bà sui tương lai. Mà cứ đứng ngoài cửa diễn mãi cái màn kịch vô duyên ấy...
Nhiều đĩa hài Tết chủ yếu dựa vào tài chọc cười của diễn viên. Nhưng khổ nổi, không có tình huống nào đáng cười nên diễn viên cứ nói trệu, nói trạo hay vần vè kiểu thơ con cóc… Đáng buồn là có tiểu phẩm mà tác giả kịch bản kiêm đạo diễn kiêm diễn viên nên cả tiểu phẩm chỉ “một màu” nhàm chán chứ hầu như không có sự tung hứng nào giữa các diễn viên hay những câu thoại ra tấm ra miếng.
Chưa dụng công
Nhiều đĩa hài còn chưa dụng công về hình thức thể hiện. "Chuyện đời" ghi hình trên sân khấu, không có âm nhạc phụ họa, ánh sáng không thay đổi suốt chương trình. "Khôn ở phố, ngố ở quê" hay "Nói xấu người yêu" thì quay phim theo lối “dập bánh khảo”, để máy một chỗ hay cùng lắm là vác máy chạy theo diễn viên chứ không có những cú cận hay trung cảnh... Cảnh trong "Nói xấu người yêu" hầu như dựa vào mấy nhà nông thôn chứ không có “bày biện” gì thêm, cảnh diễn ra trong nhà ngoài sân, hết sức là ra đường làng…
Chưa hết, diễn viên diễn hài trong các đĩa hài năm nay được “tận dụng” hầu như tối đa. Có đĩa mà diễn viên hài còn thể hiện “tài năng” ca hát bằng các clip quay ngoại cảnh xen lẫn trong chương trình. Có đĩa lại “mượn” ngay diễn viên tham gia tiểu phẩm để minh họa cho “ca sĩ” trong clip đó.
Các đĩa hài năm nay đều quảng cáo dày đặc. Cả chục clip quảng cáo xen ngang ngửa rồi quảng cáo chạy dưới chân hình. Chẳng những quảng cáo cho thương hiệu tài trợ, đĩa này còn quảng cáo cho đĩa kia, mà màn quảng cáo dài lê thê, phỏng vấn hầu như tất cả các thành phần tham gia làm phim rồi cho phát nhiều lần. Thậm chí có đĩa còn làm hẳn cả phim giới thiệu doanh nghiệp dài dằng dặc…
Những đĩa hài nhạt nhẽo do các nhóm hài tự sản xuất ở phía
Nhưng dường như phong trào “chọc cười” này đang lan ra phía Bắc và hứa hẹn sẽ phát triển mạnh vào các năm tiếp theo khi đầu tư ít, lãi cao. Chỉ có khán giả mới là người chịu thiệt khi lỡ mua phải sản phẩm hài như vậy…