Bay lên hương sắc Tân Cương

09:54, 25/02/2010

Lễ hội “Hương sắc trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” (T.P Thái Nguyên) năm Canh Dần 2010 được tổ chức ngày 24/2 (tức ngày 11 Tết), tại Chợ làng nghề chế biến xuất khẩu Tân Cương.

 

Dự Lễ hội có các đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Vương Thử, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ T.P Thái Nguyên và đông đảo nhân dân đến từ các vùng chè trong tỉnh. Ban tổ chức Lễ hội cũng đã trao 10 cúp vàng cho 10/18 xóm có cây chè đẹp.

 

Từ đêm trước hội, nhiều người dân vùng chè Tân Cương đã không ngủ, ai cũng hồi hộp chuẩn bị đón ngày lễ hội được tổ chức dành cho thứ cây trồng nuôi sống mình - cây chè. Rồi ngày hội đến, trong tấp nập chân người bước ra từ các ngõ nhỏ, giữa âm vang tiếng trống dong, những cây chè được rước trên đôi vai  “trai đinh” vạm vỡ của 18 xóm vùng chè lần lượt qua khán đài thì Lễ hội trà xuân đã chính thức bắt đầu. Nắng cũng chợt bừng lên như báo hiệu một mùa chè mới, no ấm về Tân Cương. Trong bài diễn văn khai mạc Lễ hội của đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố đã nhấn mạnh: Lễ hội trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương là một trong những hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Canh Dần, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2010, đây cũng là dịp gặp gỡ của những người trồng chè, sản xuất chế biến, tiêu thụ chè và đặc biệt là những người uống chè, yêu thích chè Tân Cương...

 

Bên lễ đài, trống khai hội gióng 1 hồi 3 tiếng, rền vang như sấm gọi mùa. Tiếng trống đang giục giã, vội đằm lại ngay bởi không khí của cảnh tế trà, linh nghiêm với vật tế gồm 1 mâm trà, 2 mâm ngũ quả phủ khăn vải vàng, có hương trầm, văn sớ, người tế bước chân theo từng nhịp nhạc, miệng khấn tạ trời đất, trang trọng. 16 thôn nữ của vùng chè trong y phục trắng, có hoa chè giắt trên mái tóc múa bài Tứ quý (dâng trà), khiến người dự lễ cảm nhận được sự trang trọng về nghi lễ của cư dân vùng chè, một nghi lễ chỉ người vùng chè Thái Nguyên mới có. Cụ bà Mai Thị Uyên, 82 tuổi, xóm Y Na 1 đã giải thích với chúng tôi: Là nông dân được hưởng những sản vật của trời đất ban tặng, những nghi lễ như thế là để tạ ơn ông Thần nông, tạ ơn trời đất và cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà.

 

Thủ tục của phần lễ xong, những nhịp trống lại nổi lên, liên hồi như giục người vào hội. Điều đặc biệt ở Lễ hội hội này là ngoài kiệu cáng, cây chè đẹp, bà con  ở các xóm về dự còn lỉnh kỉnh mang theo những chảo, củi, que đũa, nong, nia, dần, sàng... để thi sao chè. Bà Lê Thị Huơng, đến từ xóm Nam Tân, trong lúc trò chuyện với chúng tôi, đôi tay bà vẫn dẻo dai đều nhịp của một thói quen làm chè thủ công dân dã. Bà bảo: Tham gia Hội thi, mình vui lắm, vì đây là cơ hội để người dân đất chè trổ tài. Còn giải, không quan trọng, cốt là giao lưu, học hỏi...  Ông Nguyễn Anh Tuấn, 74 tuổi, xóm Guộc cho biết thêm: Thổ nhưỡng vùng Tân cương sinh dưỡng được cây chè quý, nhưng để làm ra sản phẩm chè ngon lại đòi hỏi ở sự khéo léo của người chế biến. Và để có một sản phẩm đạt chất lượng cao, đòi hỏi người trồng chè quan tâm ngay từ khâu chăm sóc, như việc bón phân, phun thuốc trừ sâu hợp lý, khi hái chè cũng phải nhẹ nhàng không để lá, búp bị dập nát. Ngay sau thu hái phải nổi lửa sao khô trong ngày, vì để lâu chè sinh ôi, nước đỏ, giá trị thấp. Đặc biệt là khi sao chè cũng đòi hỏi người làm phải khéo léo bằng chính sự cảm nhận của đôi bàn tay để điều chỉnh lửa to, nhỏ tùy lúc, tuỳ khâu, vì thế ngay trong vùng chè Tân Cương, có gia đình làm ra cân chè đạt giá trị  năm, bảy trăm nghìn đồng, nhưng cũng có gia đình làm ra cân chè chỉ bán được hơn hai mươi nghìn đồng.

 

Cũng là cách gìn giữ truyền thống, nên Hội thi chế biến chè không sử dụng các loại máy móc hiện đại, mà chỉ bằng chảo gang, lửa củi với đôi tay mềm của người phụ nữ. Một đặc biệt nữa ở vùng chè là hầu hết công việc sao, sấy chè do phụ nữ làm, nhưng việc thưởng trà lại do những người đàn ông thẩm định. Vợ làm, chồng uống, vậy mới có chuyện chồng vợ nức nở khen nhau, vì thế hạnh phúc của người vùng chè cũng chân chất, mộc mạc và bền đượm như hương chè. Trong hội trà xuân, tôi còn được cô bé Trần Thị Hương, học sinh Trường THCS Tân Cương cho biết: Tuy nhà có máy làm chè, nhưng mẹ em vẫn hướng dẫn cho em cách sao, sấy chè thủ công. Mẹ bảo: Lửa to chè bị cháy, nổ trắng, uống không ngon. Mà em thấy cách làm chè thủ công không chỉ tạo ra được sản phẩm ngon, mà còn là cách rèn luyện cho con người lòng kiên nhẫn.

 

Trong Hội trà xuân Tân Cương còn có phần hầu trà, thưởng trà với các bài hát Chầu văn, dân ca được tổ chức ngay trong khu đình chợ. Người về hội được mời trà, thưởng trà và ngẫm ngợi về nền văn hoá trà cảu dân tộc Việt . Cũng trong hội, một số trò chơi dân gian như tung còn, đánh vật, viết thư pháp... được tổ chức cho người dân tham gia, qua đó đã tạo được không khí Lễ hội thêm tưng bừng và ấn tượng...

 

Nhấp chén trà xuân - người thưởng thức sẽ cảm nhận được đầy đủ hơn về dự vị, thi vị và tấm lòng hiếu khách của người dân vùng chè Tân Cương. Nên đã đến đây, thưởng trà rồi, ai cũng nhớ mãi vị chát, ngọt nồng đượm lan toả ra từ cuống dạ dày, tâm hồn sảng khoái và cảm thấy như cả mùa xuân còn đọng lại trong lòng. Mong nhớ lời hẹn của Lễ hội trà xuân sau, về lại Tân Cương để được ngắm những cây chè đẹp hội tụ đủ các yếu tố về sắc, thế và thần; chiêm ngưỡng những người phụ nữ xứ Trà trong lấm tấm mồ hôi ngồi sao chè bên chảo lửa, và được thưởng ẩm chén trà hội đủ các chuẩn về sắc, khí, vị hương.