Ca trù nơi cửa đình

10:36, 17/02/2010

Xưa, không gian nguyên bản cho Ca trù thể hiện là nơi cửa đình, dân gian gọi là "lối hát thờ cửa đình", được dùng vào những dịp lễ, hội thờ cúng thần linh. Nay, Ca trù đã được cả thế giới công nhận là di sản văn hóa. Nhưng lối hát thờ cửa đình thì đã vắng bóng gần 60 năm trên đất Kinh kỳ.

 

Trăn trở và đam mê, ca nương Phạm Thị Huệ cùng Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Thăng Long đã phục dựng lại lối hát này như một món quà thiêng dâng lên Đại lễ. Ngày mai, mùng 5 Tết, buổi biểu diễn đầu tiên sẽ diễn ra ở đình Khương Trung (Thanh Xuân). Sau đó CLB về Hoài Đức diễn ở đình Ngãi Cầu (ngày mùng 9) và đình La Phù (ngày 11 Tết).

 

Cùng với sự phát triển văn hóa Thăng Long, Ca trù đã trở thành "món ăn" tinh thần của người dân Kinh kỳ. Những dịp lễ hội xưa, phía trong đình, đền, các viên quan thường tiến hành tế lễ, còn ngoài cửa là nơi các phường múa hát theo nội dung phụ trợ cuộc tế. Hát thờ cửa đình không chỉ dâng lên thần linh mà còn để dân làng thưởng ngoạn. Vì vậy, lối hát này luôn giữ được sự trang trọng, linh thiêng mà rất gần gũi và bình dị. Thảng có lúc, nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc kể với chị Huệ những luyến lưu còn đọng lại trong kí ức của cụ.

 

Hai người phụ nữ, một đã ngoài 80 tuổi, một hơn 30 tuổi có chung trăn trở và mong muốn phục dựng lại lối hát thờ cửa đình như một cách trở về với quá khứ, giữ nét Ca trù xưa, đưa Ca trù trở lại sống trong chính không gian đã sinh ra và nuôi dưỡng nó. Nhiều đêm, hai bà con chẳng ngủ được, cứ trằn trọc mãi. Nhưng khi cụ Chúc kể, rồi hát và múa những điệu "Bỏ bộ", "Luồn vói" trong lối hát thờ cửa đình thì cụ lại khỏe, lại vui. Cứ thế, họ múa hát, truyền dạy cho nhau đến tận sáng.

 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cũng chỉ nhớ được vài lề lối của "Hát dâng hương", "Hát giai", "Bỏ bộ", "Luồn vói"; còn nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ thì nhớ được điệu "Múa hát dồn đại thạch". Chị Huệ đọc sách, tìm hiểu thêm qua việc gặp gỡ các nghệ nhân cao tuổi khác và sưu tập lời hát, điệu múa cổ. Lối hát thờ cửa đình theo sử sách gồm có: "Hát dâng hương", "Hát giai", "Thét nhạc", "Múa hát dồn đại thạch", "Luồn vói", "Hát phú", "Hát lót", "Hát ru", "Bỏ bộ", "Múa bài bông" và Hát "Tỳ bà hành" lúc về đêm, sau khi đã xong các nghi thức. Khác hoàn toàn với lối hát chơi hay hát nói, hát thờ cửa đình là một nghi thức đối với thần linh nên lời ca có ý để cầu phước cho dân lành, ca ngợi thánh và thể hiện tình yêu quê hương đất nước… Thường trong lễ hội ở đình, đền xưa, các phường hát múa thâu đêm tới sáng, có những hội lớn thì hát múa đến mấy ngày. Chị Huệ đã chắt lọc các làn điệu, lề lối để phục dựng lại một chương trình tương đối đầy đủ về lối hát thờ cửa đình rồi luyện tập và truyền dạy ở CLB Ca trù Thăng Long của mình từ 2 năm nay. Ngày nào 20 thành viên trong CLB cũng miệt mài luyện tập với niềm say mê và nhiệt huyết để công bố chương trình phục dựng vào dịp Tết này. Chị Huệ mong rằng các CLB ca trù khác cũng sẽ tham gia vào dự án này để đưa lối hát về với các đình làng của Thủ đô. Hẳn sẽ rất đặc biệt khi vào dịp Đại lễ nghìn năm có một của đất Thăng Long - Hà Nội sắp tới, các đình, đền làng vang rền trống chầu, nhịp phách, tiếng đàn và giọng ca luyến láy tài hoa, tinh tế của những nghệ nhân ca trù dâng lên các vị anh linh, mở hội cho muôn dân.

 

Trên mảnh đất mà Ca trù được định hình và thăng hoa, cái sự vắng lặng nơi cửa đình vào mỗi dịp lễ, hội trong suốt 60 năm qua vừa khiến những nghệ nhân như cụ Chúc chạnh lòng vừa làm mai một đi một giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Những nỗ lực của các cụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ hay ca nương Phạm Thị Huệ cùng CLB Ca trù Thăng Long nhằm đưa Ca trù trở về không gian sơ khai, linh thiêng và bình dị cũng chính là một nén tâm nhang của những nghệ nhân dâng lên Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.