Năm nào cũng vậy, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng, huyện Phú Lương lại long trọng tổ chức lễ hội đền Đuổm để tưởng nhớ danh tướng Dương Tự Minh và cầu cho mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút nhiều người dân trong tỉnh và du khách thập phương tham gia.
[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]
Sáng sớm ngày mùng 6 tết Canh Dần, chúng tôi có mặt tại đền Đuổm, hòa vào dòng người đang nô nức kéo về chung vui. Tiết trời se lạnh nhưng không vì thế mà làm giảm đi không khí náo nức, nhộn nhịp của lễ hội. Đền Đuổm thờ danh tướng Dương Tự Minh, người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở làng Quan Triều, phủ Phú Lương xưa. Do có tài thao lược, ông được các triều vua Lý phong làm thủ lĩnh phủ Phú Lương, lãnh đạo nhân dân đánh tan mọi âm mưu xâm lấn của kẻ thù, xây dựng địa hạt phồn vinh, bảo vệ vững chắc biên giới nước Đại Việt. Năm 1127, vua Lý Nhân Tông đã gả công chúa Diên Bình cho thủ lĩnh Dương Tự Minh. Đến năm 1144, do có công lớn, vua Lý Anh Tông đã gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh và phong ông là Phò Mã Lang… Hơn 30 năm làm quan dưới các vương triều Lý, ngoài việc giữ yên bờ cõi, ông đã dũng cảm đấu tranh chống lại sự sách nhiễu của quan lại trong triều, thể hiện con người "trung quân - ái quốc". Người dân ghi nhớ công lao đã lập đền thờ và lưu danh tên ông bằng câu đối:
"Trướng phù Việt địa trung - hưng - thánh
Danh trấn Nam bang thượng đẳng thần"
Có nghĩa là: "Trung hưng thánh công Phù đất Việt
Thần thượng đẳng tiếng khắp trời Nam".
Đúng 8 giờ, lễ dâng hương bắt đầu. Đi đầu là đội múa Lân, tiếp sau là đội ngũ nam thanh, nữ tú với trang phục dân tộc Tày, trên tay bưng các sản vật của địa phương đưa ra đền thờ tiến hành lễ tế. Đồ lễ gồm có lễ chay và lễ mặn. 3 mâm lễ chay có bánh Dày, bánh Khảo, bánh Mật, bánh Bỏng. Lễ mặn gồm có xôi, thịt gà, thịt lợn…Tất cả được bày tế lễ trước cửa đền Trung, nơi thờ vị tướng Dương Tự Minh. Cụ Phạm Thị Hòa năm nay đã 70 tuổi, người dân xã Động Đạt phấn khởi nói với chúng tôi: Năm nào tôi và người thân trong gia đình cũng lên đây thắp hương tưởng nhớ công lao của vị anh hùng đã có công đánh giặc cứu nước, qua đó giáo dục con cháu hướng về nguồn cội, về truyền thống hào hùng của dân tộc.
Năm nay, ngoài phần lễ, phần hội Đuổm được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như: cờ tướng, đẩy gậy, đánh đu, đấu vật…cùng các môn thể thao: Bóng chuyền, bóng đá…đã thu hút đông đảo các vận động viên tham gia đua tài. Các chương trình văn nghệ do các đội văn nghệ quần chúng biểu diễn cũng đã góp phần làm cho không khí lễ hội thật sự trở nên sôi động, náo nhiệt.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Phó Ban Tổ chức lễ hội đền Đuổm cho biết: Ban quản lý quần thể di tích đền Đuổm đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên của Ban để tổ chức thực hiện. Ngoài ra, nhờ có sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên công tác tổ chức lễ hội đã chu đáo hơn những năm trước, không có tình trạng tắc đường, hiện tượng mê tín, dị đoan, cảnh quan môi trường sạch đẹp, an ninh trật tự luôn được đảm bảo.